THÔNG TIN DÀNH CHO BÁO CHÍ
SỰ KIỆN TRẠI HÈ HOA HƯỚNG DƯƠNG NĂM 2023
(Hà Nội) – Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam 28/6, trong 02 ngày từ 7 – 8/6/2023 tại Học viện Viettel (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức sự kiện Trại hè Hoa hướng dương cho trẻ mồ côi năm 2023.
Sự kiện có sự tham dự của 250 đại biểu gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Bộ/ngành liên quan; đại diện lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh/thành và 100 cặp Mẹ – Con tiêu biểu từ 39 tỉnh, thành Hội tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện Chương trình Mẹ đỡ đầu đại diện cho các vùng miền của cả nước. Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều nội dung có ý nghĩa cho các con mồ côi và các mẹ đỡ đầu được tổ chức xung quanh chuỗi hoạt động: Gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà sàn Bác Hồ, tham quan thủ đô Hà Nội (city tour), tham gia các trò chơi teambuilding, giao lưu với các cầu thủ bóng đá Viettel, các khóa tập huấn kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, Gala tổng kết trại hè…
Trong chương trình Gala tổng kết (tối ngày 8/6/2023), Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam sẽ thông tin kết quả sau 02 năm thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và công bố số lượng con mồ côi được cam kết nhận đỡ đầu mới từ năm 2023 của các cấp Hội, mạng lưới BCH TW Hội, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên, phụ nữ và đơn vị đồng hành trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
Sự kiện Trại hè Hoa hướng dương là dịp để các con được nhận đỡ đầu của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động được gặp gỡ, giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn, các anh, các chị ở khắp mọi miền tổ quốc và trải nghiệm các hoạt động vui chơi tập thể, được hòa mình với thiên nhiên, được trải nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng mới. Thông qua các hoạt động của Trại hè, TW Hội LHPN Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục lan tỏa sâu rộng giá trị nhân văn của Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam 2023. Sự kiện cũng là dịp để tri ân các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã đồng hành cùng các cấp Hội trong quá trình triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.
PHỤ LỤC 1:
KẾT QUẢ 2 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “MẸ ĐỠ ĐẦU” TRÊN ĐỊA BÀN CẢ NƯỚC
Tháng 10/2021, TW Hội LHPN Việt Nam phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồi côi do Covid – 19, trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày với tinh thần tự nguyện. Đến nay, Chương trình đã vận động được tổng số tiền trên 115 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trên 3.000 trẻ mồ côi do covid-19… Cuộc sống của nhiều trẻ thiếu may mắn đã có những đổi thay.
Sau gần 02 năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được hầu hết Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình cũng đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thu hút sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân đồng hành và đã thực sự trở thành những điểm tựa đầy yêu thương của các con mồ côi trên khắp mọi miền đất nước. Đến nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được 115 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể:
Tại cấp Trung ương, vận động, kết nối, chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi thông qua mạng lưới nữ lãnh đạo là ủy viên Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khối bộ/ngành. Đến nay, đã vận động, kết nối và nhận đỡ đầu được 216 trẻ với các mức hỗ trợ khác nhau, tổng giá trị hỗ trợ gần 15 tỷ đồng; nhiều đơn vị/cá nhân đã cam kết đồng hành cùng Hội trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các con và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con[1].
Cấp tỉnh/thành Hội, ngay sau khi phát động Chương trình, đã có nhiều tỉnh/thành Hội hưởng ứng, kết nối, vận động được nhiều tập thể, cá nhân nhận làm “Mẹ đỡ đầu” với nhiều cách làm sáng tạo[2]. Đặc biệt là tham mưu cấp uỷ, chính quyền quán triệt, thống nhất chủ trương và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hưởng ứng Chương trình; kết nối với các trường học nhận đỡ đầu các con mồ côi đang học tập tại trường; giao chỉ tiêu kêu gọi, vận động nguồn lực đối với mỗi cán bộ Hội và cơ sở Hội; kết nối doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân và con em xa quê… hưởng ứng, hỗ trợ Chương trình. Một số tỉnh uỷ/huyện uỷ, đặc biệt một số đồng chí Bí thư, cấp uỷ, uỷ viên BCH đã tiên phong gương mẫu, trực tiếp nhận đỡ đầu 1-2 con mồ côi[3].
Trong quá trình triển khai Chương trình, các cấp Hội luôn chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các nội dung hướng dẫn của TW để phù hợp với thực tiễn địa phương; sáng tạo, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh covid -19 diễn biến phức tạp, khai thác thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook, website của Hội…) để tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện Chương trình với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình… Cũng trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: Đưa nội dung thực hiện Chương trình là 1 tiêu chí trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội[4]; Tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu cụ thể đỡ đầu cho đơn vị thực thuộc[5]. Một số cấp ủy phân công BTV huyện ủy nhận con đỡ đầu; CB Hội LHPN tỉnh trực tiếp nhận đỡ đầu các con mồ côi và tổ chức hoạt động chăm lo, động viên hiệu quả[6]. Nhiều tỉnh/thành đã phát huy được mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, việt kiều… kết nối hiệu quả Mẹ đỡ đầu ở xa với Mẹ đỡ đầu trực tiếp và trẻ mồ côi[7].
Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do covid -19 trên địa bàn có Mẹ đỡ đầu, nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do covid -19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác[8]; nhiều “Mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học[9]; hầu hết các trẻ mồ côi do covid -19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.
Mặc dù Chương trình mới chỉ bắt đầu cho một hành trình dài đồng hành cùng trẻ nhưng bước đầu đã hạn chế được sự trùng lặp trong điều phối, phân bổ nguồn lực, đảm bảo các con được hỗ trợ tương đối đồng đều, tránh bỏ sót. Bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn đặc biệt chú trọng tới việc kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp với độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khoẻ, tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa Mẹ đỡ đầu và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà… tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng, không để trẻ em nào bị bỏ lại ở phía sau.
PHỤ LỤC 2:
THÔNG TIN VỀ TRẠI HÈ “HOA HƯỚNG DƯƠNG”
1/ Thông tin về các cặp Mẹ – Con tham dự Trại hè “Hoa hướng dương”
Tham dự Trại hè “Hoa hướng dương” có 100 con mồ côi gồm 71 con gái và 29 con trai, độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi. Trong số này có 37 con mồ côi cha, 39 con mồ côi mẹ và 24 con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có 9 con là người dân tộc thiểu số (Chăm, Vân Kiều, Mông, Khmer, Hoa)
Trong số 99 bố mẹ đỡ đầu có 67 mẹ đỡ đầu trực tiếp, 01 bố đỡ đầu trực tiếp, 22 mẹ đỡ đầu gián tiếp thuộc các ngành nghề: cán bộ Hội (54), chi hội trưởng (9), doanh nhân (12), hội viên phụ nữ (2), làm nông nghiệp (4), công chức, viên chức (2), hưu trí (3) và nghề nghiệp khác (4) (Thông tin cụ thể trong file đính kèm)
2/ Một số câu chuyện điển hình về Mẹ đỡ đầu trên địa bàn
- Công đoàn ngành NHCSXH đã nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 81 con mồ côi cả cha và mẹ do Covid 19 đến năm các con 18 tuổi với mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng là 2 triệu đồng/con. Đến nay, đã triển khai hỗ trợ cho 645 lượt trẻ mồ côi với số tiền 1.314 triệu đồng; Công đoàn Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ cho 50 con mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương với số tiền ban đầu là 100 triệu đồng vào dịp Tết Nguyên đán; Công đoàn Bộ Công Thương hỗ trợ cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn 131 triệu đồng; Công đoàn Ngành Tòa án nhận đỡ đầu 20 con mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/con, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng Hội hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các con và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con; Công đoàn Ngân hàng BIDV cam kết nhận hỗ trợ 50 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1 tỷ đồng; Công đoàn Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT) cam kết đỡ đầu, chăm sóc 2 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ( mức hỗ trợ 150 triệu/con); Chi hội Nữ Bộ Khoa học – Công nghệ hỗ trợ 200 triệu; Các ban/đơn vị TW Hội đã nhận đỡ đầu 15 trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn… ↑
- Tỉnh Đồng Tháp thành lập các tổ/nhóm mẹ/CLB tự nguyện phân công luân phiên chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ mồ côi do nguyên nhân khác; Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bảo trợ cho trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 đến năm 18 tuổi; Hội LHPN tỉnh Bình Dương vận động các nữ doanh nhân thuộc Hội nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch Covid-19 (từ 1 đến 16 tuổi); Hội LHPN Thanh Hoá thành lập nhóm “Mẹ đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi” (với Ban quản lý từ 3-5 người để điều phối, phân công nhiệm vụ trong nhóm), xây dựng các mô hình “Nuôi lợn nhựa”, “Tổ tiết kiệm, tín dụng” nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu; Hội Phụ nữ Công an thành phố Cần Thơ phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho trẻ có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố… ↑
- Quảng Bình, Hà Tĩnh ↑
- Quảng Trị ↑
- Vĩnh Phúc ↑
- Huyện Như Xuân (Thanh Hoá ) ↑
- Phú Yên, Đồng Tháp, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An ↑
- Thanh Hoá cam kết hỗ trợ 1.380 con mồ côi, TP Hồ Chí Minh 1085 con mồ côi; Quảng Nam 1.080 con; Nghệ An: 961 con mồ côi… ↑
- Khánh Hoà, Bình Dương, Hải Phòng… ↑
Visits: 107