(TUAG)- Trong những ngày gần đây, khi thông tin về dự thảo đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh được lan truyền trên không gian mạng, một bộ phận người dân của những địa phương được dự kiến sáp nhập “với tên gọi tỉnh mới” đã bàn luận, bày tỏ những tâm tư, tình cảm về niềm tự hào quê hương của mình, nhưng cá biệt có không ít người dùng mạng xã hội lại từ niềm tự hào, tự tôn về tên gọi quê hương của mình lại tỏ thái độ chê bai, bài xích thậm chí là dùng lời lẻ xúc phạm, bình luận khiếm nhã đến niềm tự hào quê hương của người dân ở địa phương khác. Điều đó, tưởng chừng là câu chuyện của các “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội, nhưng nó lại nguy hại khi các phần tử bất mãn, quá khích, thù địch lợi dụng chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Với mục tiêu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 02 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ trương tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đã được sự đồng thuận cao trong nội bộ đảng và Nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên, Nhân dân cho rằng việc thực hiện sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong Kỷ nguyên mới “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã nỗ lực để sớm hoàn thành Đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, theo hướng sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử – văn hóa; không tổ chức cấp huyện; giảm đầu mối để mở rộng quy mô của cấp xã; đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan.
Thế nhưng, trong những ngày gần đây, khi mạng xã hội lan truyền các thông tin về Đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có dự kiến về “trung tâm hành chính” và “tên gọi” của các tỉnh sau khi sáp nhập. Đây đang là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi tên gọi của tỉnh, xã sau sáp nhập không đơn thuần là tên, địa danh đơn vị hành chính mà còn nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, tình cảm, quê hương, giấy tờ, thủ tục hành chính… Có khá đông người dùng mạng xã hội của những địa phương được dự kiến sáp nhập với tên gọi cấp tỉnh mới đã bàn luận, bày tỏ tâm tư, tình cảm, niềm tự hào quê hương của mình khi không còn được tên gọi cũ. Đáng chú ý, có một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội lại từ niềm tự hào, tự tôn “tên gọi quê hương” của mình lại có quan điểm tỏ thái độ chê bai, bài xích, thậm chí là dùng lời lẻ, bình luận xúc phạm đến niềm tự hào quê hương của người dân địa phương khác. Họ đưa ra những so sánh khập khiển về quy mô kinh tế, tài nguyên, về mức độ “giàu có” của người dân tỉnh này so với tỉnh khác, xem tỉnh này này sẽ trở thành gánh nặng của tỉnh kia. Chê bai, chế giễu về phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương khác. So sánh, bình luận khiếm nhã “dân hạng 1”, “dân hạng 2”, “dân nhà quê” giữa địa phương này với địa phương kia. Hay cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, “chịu mang tiếng lây lan” khi phải dùng tên gọi của quê hương đó…
Đó là một hành vi đáng phê phán. Bởi vì, mỗi người chúng ta đều có lòng tự tôn dân tộc, niềm tự hào về quê hương của mình. Nhưng cũng đừng để lòng tự tôn ấy bị lợi dụng, kích động và có thái độ không đúng đắn, chuẩn mực, bình luận khiếm nhã sẽ chạm đến lòng tự tôn và tự hào về quê hương của người khác. Không những thế nó sẽ trở thành những cuộc tranh luận không phù hợp với văn hóa dân tộc, dễ bị kẻ xấu kích động để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng đến công cuộc “vươn mình” của đất nước trong kỷ nguyên mới. Các thành phần cơ hội, phản động đã lợi dụng vấn đề ý kiến của người dân về sáp nhập, tinh gọn bộ máy nhà nước, lợi dụng tâm tư, tình cảm, tâm lý, tâm trạng của một bộ phận người dân về quê hương, về tên gọi quê hương để chống phá, cản trở tiến trình cách mạng mới của dân tộc nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam. Với thủ đoạn đưa lên các trang mạng xã hội sự so sánh lợi thế, dư địa phát triển, bề dày lịch sử, văn hóa, giữa địa phương này với địa phương kia; kêu gọi bình chọn về “tên gọi” hay “trung tâm hành chính” nào là phù hợp để thu hút bình luận, tạo ngòi cho sự tranh luận, chia rẽ đoàn kết.
Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử đã minh chứng tinh thần đoàn kết và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi đất nước, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thành tựu to lớn của dân tộc ta, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chính là tiền đề, là cội nguồn sức mạnh, mang đến mọi thắng lợi to lớn, vẻ vang của dân tộc chúng ta; người Việt Nam ở mọi miền của Tổ quốc đều là “con Lạc, cháu Hồng”. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta”. Chính vì thế, chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc rằng, trong tiến trình xây dựng đất nước, mỗi một vùng miền, mỗi một địa phương cho dù có khác nhau về phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa, nhưng đều có đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước theo khả năng và ưu thế của từng vùng, từng miền, từng địa phương. Chúng ta tự hào, tự tôn về quê hương nhưng đừng vì thế mà có tư tưởng không đúng, bàn luận trên mạng xã hội để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẻ, phá hoại đoàn kết dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần phải quán triệt và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi làm việc với tiểu ban kinh tế xã hội: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần, sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng”.
Nguồn: angiang.dcs.vn
Sưu tầm: H.C
Visits: 0