An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh quan trọng ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Từ khi thành lập tỉnh (năm 1832) đến nay, trải qua 191 năm, với bao thăng trầm của lịch sử, hòa vào dòng chảy chung của dân tộc, người dân An Giang phát huy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, chiến đấu anh dũng bảo vệ phên giậu biên cương và xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển.
Tự hào truyền thống vẻ vang
Với ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình, tên gọi An Giang ra đời vào năm 1832. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận 191 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mệnh đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch).
Là tỉnh địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ngay từ những ngày đầu khẩn hoang, lập ấp, An Giang trở thành ngọn cờ tiên phong chống giặc trên miền biên viễn. Quân và dân An Giang với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, lòng quả cảm cùng với cả nước quyết liệt chiến đấu, giành thắng lợi và giữ yên bờ cõi. Quân và dân An Giang phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nên nhiều chiến tích hào hùng, rạng danh xứ sở.
Nhân dân An Giang rất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, thể hiện ý khí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ qua mọi khó khăn, thử thách. Bước vào thời kỳ đổi mới, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân, lãnh đạo tỉnh An Giang qua các thời kỳ đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là một trong những địa phương đi đầu, có nhiều đổi mới từ rất sớm. An Giang nổi lên như là một điển hình của việc vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương.
Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Từ một tỉnh thiếu lương thực, An Giang có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo, rau màu và thủy sản, từng bước vươn lên dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.
Xây dựng quê hương giàu đẹp
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang đạt những thành tựu to lớn và toàn diện. Hệ thống y tế, giáo dục không ngừng được củng cố, phát triển; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 9 tháng của năm 2023 đạt 6,41%; công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, hoạt động sản xuất được tăng cường, đáp ứng nhu cầu của thị trường; thương mại – dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 881 triệu USD (tăng 1,86% so cùng kỳ). Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được chú trọng (đạt 60,02% kế hoạch). Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn ước đạt 5.560 tỷ đồng, đạt 83,76% dự toán HĐND tỉnh giao…
Kinh tế – xã hội, đời sống người dân ngày càng phát triển
Nhìn lại chặng đường 191 hình thành và phát triển, người dân An Giang tự hào và mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân đã có công khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương yên bình, tươi đẹp như ngày nay. Để ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ lãnh đạo, đồng bào và Nhân dân trong tỉnh, sẽ là điểm tựa, niềm tin vững chắc để An Giang tiếp tục vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, An Giang tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường; chung sức, đồng lòng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng An Giang – quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến ngày càng giàu đẹp, văn minh. Không phụ sự kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp về thăm, làm việc tại An Giang năm 2018 qua 4 tứ thơ đề tặng: “An Giang đã nói là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông/ Đã quyết là dốc một lòng/ Quê hương vẫy gọi, Đảng mong dân chờ!”.
Nguồn: baomoi.com
Sưu tầm: H.T
Visits: 265