– An Giang giáp Vương quốc Campuchia, là tỉnh có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng – an ninh quan trọng. Với bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, xây dựng tỉnh biên giới Tây Nam Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Quá trình đổi mới, An Giang đột phá, sáng tạo với nhiều chủ trương hiệu quả, như: Chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm, 3 vụ/năm; khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên (năm 1988); chương trình khuyến nông (năm 1989); chương trình phát triển nông thôn (năm 1992); chương trình khuyến công (năm 1996); mô hình “Cánh đồng lớn”; chương trình khai thác lợi ích từ các công trình thoát lũ ra biển Tây…
Kết quả của sự đổi mới đã đưa An Giang từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988 sản lượng lúa của An Giang vượt mức 1 triệu tấn, năm 1994 trên 2 triệu tấn, năm 2000 lên 2,5 triệu tấn và hiện trên 4 triệu tấn lúa/năm. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực và xuất khẩu. Tỉnh còn khai thác lợi thế vùng đất vừa có đồng bằng, vừa có núi, vừa có vùng bán sơn địa, nhiều năm qua An Giang còn nổi tiếng phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trải qua 48 năm kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu, nhất là phát triển kinh tế – xã hội (KTXH), hội nhập vững chắc vào vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Trong đó có thành tựu nổi bật về đầu tư kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển KTXH của tỉnh.
Từ một tỉnh nông nghiệp, thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã đưa nền kinh tế của tỉnh vùng biên từng bước phát triển. Nền nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Chỉ tính riêng giai đoạn 2000 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế An Giang duy trì mức bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm). GRDP bình quân đầu người từ 0,65 triệu đồng/năm (1990), tăng lên 15,8 triệu đồng/năm (2010) và 48,9 triệu đồng/năm (2021) và năm 2022 đạt gần 53,91 triệu đồng/năm…
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang đạt 6,87%, vượt kế hoạch đề ra (5,2%). Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Sản lượng lúa gần 3,94 triệu tấn, 269.000 tấn trái cây, tổng sản lượng thu hoạch các loại thủy sản đạt 542.000 tấn, tăng 6,35% (tương đương 32.6000 tấn) so cùng kỳ 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 đạt 33.378 tỷ đồng, tăng 10,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,155 tỷ USD, tăng 1,14%.
Toàn tỉnh có 489 doanh nghiệp (DN) tái hoạt động, 873 DN và 882 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, cao gấp 5 lần số DN và đơn vị trực thuộc rút khỏi thị trường; tổng số vốn đăng ký 8.858 tỷ đồng. So cùng kỳ 2021, số DN đăng ký tăng 46,23% (tương đương 276 DN), số vốn đăng ký mới tăng 10% (tương đương tăng 800 tỷ đồng). Tỉnh còn tiếp nhận 46 dự án đầu tư đăng ký mới.
Trong đó, đã phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đầu tư 860 tỷ đồng, gồm: 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng; 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 469 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn 14.096 tỷ đồng.
Nhiều dự án đầu tư trọng điểm phục vụ hoàn thiện kết cấu hạ tầng, như: Kiểm soát lũ vùng Tây sông Hậu, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, tuyến đường liên kết vùng nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp, Tỉnh lộ 949… Đặc biệt, tỉnh đã dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để đối ứng thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Quý I/2023, KTXH phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 6,3%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2022 (4,09%). Trong đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 3,09%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 8,8%; khu vực thương mại – dịch vụ tăng 9,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,73%.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, An Giang còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Tỉnh vừa tập trung phát triển nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, vừa phát triển nhanh để theo kịp trình độ phát triển chung cả nước. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học – công nghệ chưa tạo nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế; quy mô nông nghiệp còn manh mún…
An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Vương quốc Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng. Để đạt mục tiêu, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư của tỉnh; đưa thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Nguồn: baoangiang.com
Sưu tầm: H.T
Visits: 538