Ảnh minh họa: K.T
Nhằm duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập.
- Nhiều hoạt động hưởng ứng 30 năm Ngày Dân số thế giới 11/7
- Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Tôn Ngọc Hạnh là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển
- Clip: Choáng ngợp hình ảnh từ trên cao của một quận nhỏ nhất TP.HCM nhưng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam
Trong báo cáo đánh giá tác động Dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước. Dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số – văn bản pháp luật hiện hành quan trọng nhất về dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ Y tế cho biết dự luật hướng tới điều chỉnh mức sinh; giáo dục định hướng về hôn nhân và gia đình cho thanh niên. Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ dân số về kế hoạch hóa gia đình phù hợp với môi trường làm việc. Các cơ quan thực hiện chương trình hỗ trợ cho thành viên, người lao động sinh con, nuôi dạy con tốt.
Cơ quan soạn thảo cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho người dân thực hiện chính sách. UBND các tỉnh thành tham mưu, trình HĐND hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, một nghiên cứu quốc tế công bố mới đây dự báo 23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào năm 2100.
Các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 con/phụ nữ vào năm 2020.
Với mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số ở nước ta.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với vấn đề “già trước khi giàu” khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 – 49 tuổi) có 2,1 con. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh ngày càng thấp, các cặp vợ chồng trẻ ngày càng “lười” có con.
Theo thống kê, mức sinh của khu vực thành thị các tỉnh, TP Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, chỉ ở mức 1,48 con.
Cụ thể, tại TPHCM năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15% – 20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Nguồn Báo Phụ nữ Việt Nam Online
Sưu tầm H.C
Visits: 79