Ảnh minh họa
Cùng với tổn thương về thể chất, việc đăng tải hình ảnh bạo lực học đường lên mạng xã hội đã để lại những tổn thương sâu sắc với nạn nhân.
- “Nữ sinh tham gia bạo lực ngày càng nhiều khiến chúng tôi rất lo lắng”
- Con gái 17 tuổi bị bạo lực học đường, bà mẹ ở Hà Nội hối hận vì 2 lần khuyên con “kệ đi”
- Bạo lực học đường: Tạo điểm tựa tâm lý cho học sinh từ nhà trường
- Bạo lực học đường: Hệ lụy khôn lường với những đứa trẻ ở tuổi chông chênh
Đáng buồn khi người quay và phát tán video lại là học sinh
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh một thiếu nữ bị 2 người đánh đấm túi bụi, kéo tóc, lột quần áo. Đáng nói là sự việc đã bị một nam sinh quay lại và đăng lên mạng xã hội. Hậu quả đến nay, nữ sinh bị đánh đang phải điều trị tại bệnh viện do tinh thần hoảng loạn cùng một số chấn thương phần mềm vùng ngực, đầu…
Nữ sinh bị đánh, lột đồ trong clip nêu trên được xác định là học sinh lớp 9 trường THCS Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Hai nữ sinh đã đánh bạn được xác định là học tại trường THCS Quảng Phú cùng huyện. Sự việc đang được cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.
Tuy nhiên, có thể thấy những hệ quả để lại với nữ sinh bị đánh là khôn lường khi hình ảnh vụ việc đã được lan rộng trên mạng xã hội.
Phân tích sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho rằng điều đáng buồn là những video này lại được chính học sinh quay lại và đưa lên mạng xã hội.
Các em là người phát hiện hành vi bạo lực nhưng không can ngăn hay báo cáo thầy cô, ngược lại còn quay hình ảnh bạn mình bị đánh với thái độ hứng thú. Đây là hành động vô cảm, thiếu ý thức xây dựng trong việc chống bạo lực học đường.
Trung tá, PGS.TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân, chia sẻ, trong 2 năm trở lại đây, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng với nhiều dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn từ…
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, bạo lực học đường không còn là vấn đề tại trường học và xảy ra trong tầm kiểm soát của nhà trường mà đã biến chuyển với bạo lực trên không gian mạng, nhà trường và gia đình không thể kiểm soát hoàn toàn.
Ảnh minh họa
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, bạo lực học đường thường xảy ra ở những lứa tuổi các em có thay đổi về tâm sinh lý, nhận thức chưa tốt. Trường học là nơi có trách nhiệm phát hiện, xử lý những tình huống bạo lực nhưng nhiều khi hiệu trưởng, giáo viên còn lúng túng về kỹ năng xử lý khi phát hiện vụ việc bạo lực học đường, nhất là khi những video bạo lực được phát tán lên mạng.
Trước những ý kiến cho rằng, xử lý kỷ luật người đã quay video sẽ khiến học sinh đó rụt rè, không dám đứng lên đấu tranh với các hành vi sai trái, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc quay lại video bạo lực học đường chỉ đúng khi người quay có ý tốt, muốn dùng video đó làm bằng chứng để hỗ trợ quá trình xử lý sự việc, chứ không phải dùng để phát tán lên mạng nhằm câu “like”, câu “view”…
“Các em phải có trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường chứ không nên cổ vũ những hành động thỏa mãn nhu cầu hiếu kỳ của mọi người. Học sinh cũng như phụ huynh phải hiểu rằng, việc quay video và phát tán lên mạng xã hội là thiếu ý thức xây dựng cộng đồng, tiếp tay cho bạo lực học đường phát triển”, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc xử lý nghiêm đối với những học sinh đăng tải, phát tán video bạo lực học đường là cần thiết để góp phần ngăn chặn những nội dung phản cảm bị phát tán trên mạng xã hội.
Lồng ghép nội dung về bạo lực học đường vào chương trình chính khóa
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt cho biết, đối phó với bạo lực học đường, chủ trương của ngành giáo dục là thông qua lồng ghép giảng dạy chính khóa trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động ngoại khóa và nhiều hình thức phù hợp khác, góp phần tuyên truyền, giáo dục về an toàn trường học, phòng ngừa bạo lực học đường.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã phát động cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em”, nhằm thông qua cuộc thi này tạo cơ hội để các em thể hiện suy nghĩ và quan điểm của mình, giúp thầy cô, phụ huynh có thể hiểu hơn về những mong muốn cũng như lo lắng của các em khi đến trường, từ đó có thể hỗ trợ, giải quyết sớm các nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường.
Nguồn Báo Phụ nữ Việt Nam Online
Sưu tầm H.C
Visits: 422