HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 / 1-8-2024): Cần thêm nguồn lực cho công tác tuyên giáo

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ:“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tuyên giáo (CTTG); cũng là đòi hỏi cấp bách, cần kíp từ thực tiễn.

Trong suốt 94 năm qua, CTTG của Đảng không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện tốt vai trò quan trọng trong tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; tuyên truyền, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận, nhất là các vấn đề lý luận mới nảy sinh để góp phần tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong gần 40 năm đổi mới đất nước, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; định hướng và ổn định tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

IMG_256
Ảnh minh họa: daklak.gov.vn

Tuy nhiên, CTTG cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư thêm nguồn lực cho CTTG của Đảng trong tình hình mới, trong đó nổi lên là các nguồn lực về ngân sách, con người và trang bị kỹ thuật. Qua khảo sát ở một số địa phương như: Hà Nội, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình… đội ngũ cán bộ các cấp bày tỏ trăn trở đối với nguồn ngân sách bảo đảm để ngành tuyên giáo hoạt động thuận tiện, hiệu quả trong tình hình mới. Thực tiễn, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao hiệu quả CTTG, đặc biệt là công tác định hướng dư luận, ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.

Thế nhưng, thời gian qua, cấp ủy ở nhiều địa phương mặc định dành ngân sách ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng; các đề án kinh tế… còn các vấn đề nắm bắt dư luận xã hội, định hướng tư tưởng, giải quyết tư tưởng, tâm lý xã hội và nhiều nội dung của CTTG khi đề xuất phân bổ ngân sách thường ít được cấp ủy các cấp quan tâm một cách thấu đáo, triệt để và nhất là chưa có sự ưu tiên. Cho nên, ngân sách cho CTTG chưa tương xứng với đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt là ở cấp cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ, đảng viên ở nhiều địa phương cho rằng, từng cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cấp cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo dành nhiều sự quan tâm hơn nữa, ưu tiên các nguồn lực, phân bổ ngân sách cho các nhiệm vụ, các lĩnh vực hoạt động của CTTG.

Trước hết, cần ưu tiên nguồn ngân sách để “số hóa” CTTG nói chung, công tác tư tưởng nói riêng. Khi khảo sát ở các địa phương, chúng tôi ghi nhận sự tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội của đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp như ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình… có các mô hình: Lập nhóm Zalo trao đổi thông tin giữa tỉnh với huyện; huyện với cơ sở; ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy cơ bản đều có các trang fanpage để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cập nhật những thông tin mới ở địa phương.

Vì dựa trên các nền tảng mạng xã hội nên những thông tin chia sẻ, trao đổi, định hướng có các hạn chế nhất định, nhiều thông tin nhạy cảm không thể chia sẻ; các trang fanpage nội dung đơn điệu, ít lượt tương tác vì không có nguồn kinh phí bảo đảm để trả cho các nền tảng mạng xã hội nên thông tin không được hiển thị ưu tiên, do đó, hiệu quả tuyên truyền, định hướng rất hạn chế. Mặt khác, phần lớn cán bộ tuyên giáo dùng các thiết bị cá nhân, chưa được trang bị phương tiện đồng bộ theo hướng hiện đại; đa phần cán bộ yếu về kiến thức công nghệ thông tin, khả năng phân tích, xử lý tư tưởng, tâm lý, dư luận xã hội trên không gian mạng còn hạn chế… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tuyên truyền, định hướng dư luận trong nhân dân.

Lãnh đạo ở nhiều địa phương cho rằng: Ngành tuyên giáo mới chỉ bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong CTTG, chưa xây dựng và áp dụng được nhiều các quy trình, phần mềm chuyên dùng trong ngành. Mặt khác, việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong ngành tuyên giáo đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, việc này khó nhưng không thể không làm và cần một nguồn ngân sách bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Ngành tuyên giáo cần sớm hiện đại hóa hoạt động trong tất cả lĩnh vực để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Một vấn đề căn cốt đối với ngành tuyên giáo hiện nay cần được cấp ủy, người đứng đầu các cấp quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTTG vững vàng về trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo; có phẩm chất đạo đức trong sáng; có khả năng tham mưu tổng hợp, thẩm định, tổ chức, chủ trì hoạt động nghiên cứu khoa học; có kỹ năng ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tuyên giáo.

Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, chế độ thông tin, chế độ phát ngôn, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ… của lĩnh vực tuyên giáo. Hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ CTTG; chú trọng cập nhật các ứng dụng của công nghệ thông tin áp dụng vào ngành tuyên giáo; trang bị kỹ năng nắm bắt, xử lý những vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp, đặc biệt là ở cơ sở. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, bổ sung các chế độ, chính sách thụ hưởng thỏa đáng cho cán bộ tuyên giáo, đặc biệt là cấp cơ sở, giúp họ yêu nghề, toàn tâm toàn ý với cương vị, chức trách được giao.

Với tầm quan trọng như vậy, đòi hỏi các cấp ủy, hệ thống chính trị phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về việc quan tâm, đầu tư các nguồn lực, nhất là ngân sách và con người cho hoạt động CTTG ở các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, để tương xứng với vai trò, vị trí, yêu cầu nhiệm vụ của CTTG và ngành tuyên giáo trong tình hình mới.

Nguồn Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sưu tầm H.C

 

Visits: 5

Bài viết Liên quan