TS PHAN THUẬN
Học viện Chính trị khu vực IV
ThS PHẠM PHƯƠNG LAN
Trường Đại học Công đoàn
(LLCT) – Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc giải quyết các vấn đề xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Từ thực tế đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội của vùng theo hướng nhanh, bền vững.
Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao _ Ảnh: tulieuvankiendang.vn
1. Thực trạng giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và các chủ thể tham gia quản lý phát triển xã hội đối với sự phát triển bền vững. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nêu rõ các vấn đề xã hội cần được giải quyết, gồm: “giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân (…) Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công (…) Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện (…) Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản (…) Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số…”(1). Các biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả trong thời gian tới là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; …; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(2).
Ở cấp độ vùng, Nghị quyết 120/CP-NQ ngày 17-11- 2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định các biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội là: “Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường”(3). Cùng với đó, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị yêu cầu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long cần: “Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội”(4). Nghị quyết 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW nêu rõ các biện pháp phát triển vùng ĐBSCL là: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội; chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới.
Đánh giá việc thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội vùng ĐBSCL thời gian qua, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định: “Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục – đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%. Công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng không ngừng được cải thiện”(5). Trong những năm qua, việc giải quyết các vấn đề xã hội tại vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân. Nhờ đó, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của vùng đã được kiểm soát, là một trong những vùng có mức độ tăng dân số tự nhiên thấp so với trung bình của nước (5,5‰ so với 9,3‰ của cả nước năm 2021)(6) và cũng là vùng có mức tăng tự nhiên thấp nhất trong cả nước. Chất lượng dân số được nâng lên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi biết chữ của toàn vùng gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ được đào tạo từ đại học trở lên. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động được đào tạo tăng từ 11,7% (năm 2015) lên 14,6% (năm 2021)(7). ĐBSCL đang có dư lợi dân số rất lớn, đó là cơ cấu dân số vàng. Cơ cấu xã hội nghề nghiệp đã có sự thay đổi theo xu hướng tích cực(8).
“
Trong những năm qua, việc giải quyết các vấn đề xã hội tại vùng ĐBSCL đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân. Nhờ đó, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Độ bao phủ của các chính sách, chương trình an sinh xã hội gia tăng, tỷ lệ người dân tiếp cận được các chương trình, chính sách tăng từ 20,6% (năm 2010) lên 30,4% (năm 2020)(9). So với các vùng kinh tế – xã hội của cả nước, độ bao phủ này khá cao, chỉ thấp hơn vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Giảm nghèo bền vững theo tiếp cận đa chiều đã có nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,6% (năm 2016) xuống còn 4,7% (năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,45 triệu đồng/người/tháng (năm 2010) lên 3,9 triệu đồng/người/tháng (năm 2020)(10) và 4,1triệu đồng/người/tháng (năm 2022). Nhờ đó, chất lượng đời sống của người dân đã được cải thiện. Công tác bình đẳng giới được chú trọng, khoảng cách giới ở một số lĩnh vực đã được thu hẹp(11). Người cao tuổi được bảo đảm an sinh xã hội và được hỗ trợ một cách tích cực(12).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giải quyết các vấn đề xã hội ở vùng ĐBSCL còn tồn tại một số hạn chế, bất cập.
ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” về y tế, giáo dục của cả nước. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; giảm nghèo chưa bền vững(13). Việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính chưa bền vững (tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 113,5)(14). Biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp chậm và thiếu ổn định ở một số đặc trưng như trình độ chuyên môn, vị thế việc làm và loại hình kinh tế(15).
Tình hình di cư diễn ra khá nhanh, ĐBSCL là một trong những địa phương có xu hướng di cư cao nhất cả nước (-12,5‰ vào năm 2021, các tỉnh có tỷ suất xuất cư thuần cao nhất là Đồng Tháp (-23,7‰), An Giang (-22,9‰), Sóc Trăng (-20,9‰ ); Cà Mau (-19,4‰)(16), dẫn đến tình trạng thiếu lao động và làm già hóa lực lượng lao động ở nơi đi càng nghiêm trọng hơn; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số: chỉ số già hóa của toàn vùng là 58,5% (năm 2019), một trong những vùng có chỉ số già dân số cao nhất của cả nước.
Ngoài ra, tình trạng di cư xuyên quốc gia theo hình thức kết hôn với người nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang là hai địa phương có xu hướng di cư theo hình thức này cao nhất. Riêng năm 2017, có 1.366 trường hợp (trong đó phụ nữ chiếm 90%)(17).
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao so với cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm hiện nay của vùng là 4,05% và 5,01%. Tỷ lệ này tập trung ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi(18). Tỷ lệ lao động được đào tạo thấp nhất so với cả nước(19).
Công tác giảm nghèo thiếu bền vững và chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo vẫn tập trung nhiều ở nhóm đồng bào Khmer và một số địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như Sóc Trăng (5,0%), Hậu Giang (5,6%), Bạc Liêu (6,7%) và Trà Vinh (7,4%) vào năm 2021(20). Thực hiện tiêu chí đánh giá giảm nghèo còn nhiều bất cập và lúng túng trong quá trình triển khai. Phân hóa giàu – nghèo còn sâu sắc, chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất cao, 6,9 lần (năm 2020)(21).
Công tác xây dựng gia đình nhiều bất cập, tình trạng bạo hành gia đình vẫn diễn biến phức tạp và ly hôn có xu hướng gia tăng. Năm 2013, toàn vùng ĐBSCL có 5.729 vụ ly hôn, đến năm 2018 tăng lên 9.314 vụ(22). Khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị khá lớn, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý và tỷ lệ các cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ của các địa phương chưa bảo đảm theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045(23). Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân trong vùng.
Như vậy, những hạn chế trong giải quyết các vấn đề xã hội đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của vùng ĐBSCL thời gian qua.
2. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới
Từ thực trạng trên cho thấy, giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới có ý nghĩa quan trọng không chỉ bảo đảm an ninh con người mà còn tạo động lực để thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: chủ động thích ứng với lũ, ngập, nước lợ, bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là của vùng đồng bào dân tộc thiểu số(24). Các nhiệm vụ cụ thể là: kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân với hệ thống y tế chất lượng, tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế mởi rộng…(25).
Nghị quyết 78/CP-NQ của Chính phủ về chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW đã xác định các nhiệm vụ: thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội; chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới(26). Nghị quyết 13-NQ/TW và chương trình hành động của Chính phủ là cơ sở quan trọng để giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội và thực hiện có hiệu quả trong công tác giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần giảm thiểu sự xung đột xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.
Một số giải pháp hiện thực hóa chủ trương của Đảng, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSCL, gồm:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đẩy mạnh liên kết vùng. Trước hết, cần tăng cường hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không, bảo đảm kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng nhiều diễn đàn kinh tế, tạo sự liên kết vùng một cách chặt chẽ; phát huy thế mạnh của vùng trong quá trình liên kết vùng; bảo đảm liên kết vùng có sự đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề, gồm: lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giao thông, du lịch…
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Tiếp tục rà soát tính hiệu quả của các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm chính sách xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Xây dựng hệ thống chính sách xã hội nói chung, chính sách an sinh xã hội nói riêng gắn với đặc điểm, điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa của người dân trong vùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục xã hội hóa hoạt động an sinh xã hội nhằm làm tăng mạng lưới an sinh; mở rộng đối tượng an sinh xã hội, đặc biệt là nhóm đồng bào Khmer của các tỉnh ở biên giới Tây Nam. Thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các nhóm dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số, đặc biệt là khu vực nông thôn vùng ĐBSCL.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững theo tiếp cận đa chiều. Thực hiện tốt công tác rà soát và bình xét hộ nghèo theo hướng công khai, minh bạch; chú trọng đến các biện pháp tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Bảo đảm hộ nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả trong cộng đồng. Đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát trong thực hiện công tác giảm nghèo. Cụ thể hóa các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đồng bào. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế của đồng bào Khmer ở vùng biên giới.
Thứ tư, giải quyết tốt lao động, việc làm và tăng thu nhập cho người lao động vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng lao động theo hướng gắn với nhu cầu thị trường lao động; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và doanh nghiệp trong công tác hướng nghiệp cho học sinh; đẩy mạnh công tác phân luồng trong giáo dục ở nông thôn vùng ĐBSCL. Giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm dân số trong độ tuổi lao động tham gia các hoạt động đào tạo nghề và kiến thức đào tạo phải phù hợp với trình độ, nhận thức của họ. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL nhằm thu hút đầu tư và tạo nhiều việc làm bền vững cho lực lượng lao động của vùng, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động ở vùng biên giới. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lao động đi xuất khẩu. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động tư vấn hỗ trợ việc làm, thông tin việc làm ở nơi đến cho người di cư.
Thứ năm, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Hỗ trợ, tư vấn người dân các cách thức chuyển đổi sinh kế. Tư vấn, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi. Nâng cao chất lượng công tác dự báo hạn mặn. Thường xuyên tập huấn kỹ thuật, công nghệ chống hạn mặn và kiến thức cho nông dân ứng phó với hạn mặn.
Thứ sáu, tăng cường đầu tư các dịch vụ xã hội, bảo đảm nhu cầu của người dân. Đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đào tạo bậc đại học, đào tạo nghề là một trong những biện pháp cần thiết để giữ chân lao động ở lại vùng, không dịch chuyển sang các vùng khác. Mở rộng mạng lưới cơ sở các trường đại học có uy tín tại ĐBSCL. Tiếp tục phát huy vai trò của Đại học Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực cho vùng. Phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương. Đầu tư và phát triển hệ thống y tế, dịch vụ xã hội khác để nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội của người dân. Xây dựng các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi.
_________________
Ngày nhận bài: 16-5-2024; Ngày bình duyệt: 11-6-2024; Ngày duyệt đăng: 24-7-2024.
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.148-151, tr.116
(3) Chính phủ: Nghị quyết 120/CP-NQ ngày 17- 11-2017 về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
(4), (5), (13), (24), (25) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2- 4- 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(6), (7), (16), (18), (19), (20) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2021, Nxb Thống Kê, Hà Nội, tr.112, 159, 167, 158-159, 158-159, 588.
(8), (15) Phan Thuận: Biến đổi cơ cấu xã hội – nghề nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2-2019.
(9), (10), (11), (21) Tổng cục Thống kê: Điều tra mức sống dân cư Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.592, 343, 585, 388.
(12) Phan Thuận: Bảo đảm anh sinh xã hội cho người cao tuổi ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh già hóa dân số, Kỷ yếu Hội thảo “An sinh xã hội – những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2023.
(14), (22) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê, tr.105, 139.
(17) Công an TP Cần Thơ: “Tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ – Thực trạng và giải pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Thực trạng và giải pháp hỗ trợ phụ nữ hồi hương và trẻ em Việt Hàn, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Cần Thơ, 2018.
(23) Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh (An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long), Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
(26) Chính phủ: Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày18-6-2022 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguồn Tạp chí Lý luận Chính trị
Sưu tầm H.C
Visits: 132