HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

(TUAG)- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới, đó là “không gian mạng”. Không gian mạng hiện đang là một “vùng lãnh thổ” rất cần được coi trọng, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ thì đây được coi là “không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia”. Vì thế, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề rất hệ trọng.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần căn cứ vào phạm vi không gian mạng mà một quốc gia được quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Thực chất việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền tin trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu.

Có thể hiểu, “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và đầy đủ về mọi mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó, phù hợp với luật pháp quốc tế và bản chất của không gian mạng”.

Báo cáo Digital Việt Nam 2024 cho thấy, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, với hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, 78,44 triệu người sử dụng Internet và 168,5 triệu thiết bị kết nối Internet, với tỷ lệ sử dụng Internet ở mức 79,1%. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi các thách thức an ninh mạng. Không gian mạng trở thành nơi mà một số đối tượng chống đối đang lợi dụng để thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, tin giả, xấu độc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, móc nối với các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài nước, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động gây rối an ninh, trật tự, kích động biểu tình, bạo loạn. Một số hãng truyền thông Mỹ và phương Tây như BBC, VOA, RFI, RFA, AFP, AP, Đài Á Châu Tự do… cũng thường xuyên đưa tin sai lệch, bình luận xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội Việt Nam trên không gian mạng.

Chúng còn lợi dụng Internet, mạng xã hội để chia sẻ công cụ, cách thức, thủ đoạn phạm tội hoặc làm lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã tin học độc hại… nhằm phá hoại kinh tế, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn của nước ta. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Riêng trong quý I/2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện hơn 80% số vụ lộ bí mật nhà nước là qua hệ thống thông tin.

Nhận thức được cơ hội cũng như thách thức từ không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời ngăn ngừa các yếu tố tiêu cực, nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng nhằm bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự trong bối cảnh mới.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” nêu rõ: Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng vững chắc, rộng khắp; xác lập và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia” xác định nhiệm vụ: Huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong công tác bảo đảm an ninh mạng, từng bước xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên không gian mạng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, trong đó các lực lượng chức năng giữ vai trò tham mưu, nòng cốt trong đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, phản động; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh mạng.

Luật An ninh mạng được ban hành năm 2018, cũng xác định: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”.

Do đó, cần xác lập và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên không gian mạng; tăng cường khả năng phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động là chính, đi đôi với bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân đội, công an, thông tin và truyền thông, tuyên giáo và các lực lượng khác. Nắm chắc tình hình, kết hợp phòng thủ tích cực, vững chắc với tiến công đáp trả, kịp thời ngăn chặn, xử lý các tình huống nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không gian mạng được coi như vùng “lãnh thổ đặc biệt” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một phần không thể tách rời của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Việc nhận diện, xác lập chủ quyền không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Nguồn: angiang.dcs.vn

Sưu tầm: H.C

 

Visits: 13

Bài viết Liên quan

Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới như: Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và Luật Đường bộ năm 2024

Nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân “Tài liệu tuyên truyền, phổ biến một số

Xem chi tiết »