Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, không ít người đã bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách mạo danh shipper (người giao hàng) nhắn tin yêu cầu chuyển khoản thanh đoán đơn hàng mua trực tuyến.
Một thủ đoạn, lừa nhiều người
Chị Lệ Thuỷ (ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho biết, gần đây chị nhận được cuộc gọi xưng là “shipper”, thông báo chị có kiện hàng trị giá 127 ngàn đồng. Do đang đi làm, không thể lấy hàng trực tiếp nên chị Thủy đã bảo người này gửi số tài khoản cho chị thanh toán. Dù chưa kiểm tra cụ thể đơn hàng là gì, chị Thủy vẫn chuyển khoản thanh toán đơn hàng cho đối tượng.
Sau đó, người này lại gọi cho chị Thủy nói là đã gửi nhầm số tài khoản, số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên “giao hàng tiết kiệm”, nếu chuyển tiền vào tài khoản đó, trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của chị sẽ tự động bị trừ 3,5 triệu đồng.
Người này sau đó gửi một đường link, nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để chị Thủy liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lúc này, chị Thủy mới phát hiện ra mình bị lừa và gọi điện đề nghị đối tượng chuyển lại tiền nhưng không nhận được phản hồi.
“Tôi và các con tôi hay đặt hàng online nhưng sau khi kiểm tra lại thì không có món đồ nào trị giá 127 ngàn đồng cả. Thực tế, đối tượng lừa đảo cũng không gửi đơn hàng nào cho tôi”, chị Thủy cho hay.
Cùng với thủ đoạn trên, anh N.V.T. (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị lừa mất 300 triệu đồng. Theo anh T. ngày 15/9/2024, anh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, đối tượng tự xưng là “shipper”, thông báo anh có kiện hàng trị giá 321 ngàn đồng.
Sau khi chuyển 321 ngàn đồng cho đối tượng, người này lại gọi cho anh T. nói là đã gửi nhầm số tài khoản, số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên “giao hàng tiết kiệm”, nếu chuyển tiền vào tài khoản đó Trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của anh sẽ tự động bị trừ 6,8 triệu đồng.
Người này sau đó gửi một đường link, nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lo sợ bị trừ tiền trong tài khoản hằng tháng nên anh T. đã thực hiện theo các yêu cầu và đã chuyển khoản nhiều lần, với tổng số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng cho đối tượng.
Khi thực hiện giao dịch cuối cùng thành công, đối tượng thông báo đã hoàn thành các lệnh, hệ thống sẽ chuyển trả cho anh T. toàn bộ số tiền trên. Để làm tin, đối tượng gửi ảnh chụp giao dịch thành công cho anh T.
Thượng tá-Tiến sỹ tội phạm học Đào Trung Hiếu
Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, anh T. vẫn không nhận được tiền. Chỉ đến khi liên hệ tổng đài ngân hàng, anh mới phát hiện bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, đã tiếp nhận trình báo của anh T. và đang xác minh, điều tra làm rõ.
Lỗ hổng trong bảo mật thông tin khách hàng
Trao đổi với PV Báo PNVN, Thượng tá-Tiến sỹ tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nhận định, đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi, các đối tượng theo dõi kênh mua hàng online, có những người công khai cả số điện thoại và địa chỉ khi mua, rồi chúng lợi dụng sơ hở và mạo danh là “shipper” nhắn tin cho nạn nhân để yêu cầu chuyển tiền.
Nhiều người thấy đọc đúng địa chỉ, đúng món hàng nên nghĩ đó là “shipper” nên chuyển tiền. Đối tượng đã khai thác lỗ hổng trong bảo mật thông tin của khách hàng.
“Chúng ta không nên công khai thông tin khi mua online. Khi chuyển tiền, cần hỏi kỹ xem hàng gì, cần kiểm tra lại xem mình có mua không. Nếu bị lừa số tiền lớn, hãy báo ngay cho cơ quan công an và cảnh báo tới mọi người để nâng cao cảnh giác.
Chỉ một chút lơ là, chúng ta có thể bị lừa rất nhiều tiền. Kẻ gian giờ đây không chỉ nhắm vào người lớn tuổi, người kém am hiểu về công nghệ mà còn có thể đánh lừa bất kỳ ai, kể cả người trẻ, những người được cho là có kinh nghiệm dùng internet và mua sắm trực tuyến.
Hãy luôn cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi những cạm bẫy từ người lạ. Chỉ cần một thao tác nhỏ là kiểm tra lại, chậm lại một nhịp trước khi thao tác, có thể giúp chúng ta tránh được rủi ro”, ông Hiếu nói.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi. Nếu là nạn nhân của lừa đảo, cách duy nhất là trình báo ngay với cơ quan công an để ngăn chặn việc lừa đảo tiếp tục xảy ra cũng như xử lý được kẻ lừa đảo và lấy lại số tiền đã bị lừa.
Để trình báo với cơ quan công an, nạn nhân cần thu thập các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng. Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc bị lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới công an gần nhất để được giải quyết.
Theo ông Hùng, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt từ 02 – 03 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 – 06 triệu đồng theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144.
Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14.
Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Cướp giật tài sản;
Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Trộm cắp tài sản; Lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản; Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Phạt tù từ 02 – 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạt tù từ 07 – 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguồn: phunuvietnam.vn
Sưu tầm: H.C
Visits: 5