Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh hiện có 412.127 hội viên/681.307 tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 60,49%; có 85/156 cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa phương vào tổ chức Hội, đạt 54,48%. Cụ thể hóa chuyên đề năm 2024 “An Giang học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, phụ nữ thông qua nhiều cách làm thiết thực như duy trì và nâng chất các Chương trình, mô hình chăm lo hội viên, phụ nữ với tổng kinh phí hơn 38 tỷ đồng; chủ động, sáng tạo trong thực hiện các Đề án, Dự án dành cho phụ nữ và trẻ em; chủ động, linh hoạt tạo nhiều cơ hội để phụ nữ phát triển.
Duy trì và nâng chất các Chương trình, mô hình chăm lo hội viên, phụ nữ
Điển hình, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tính đến giữa nhiệm kỳ 2021 – 2026, 100% Hội LHPN cấp huyện, cơ sở tích cực nỗ lực kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ 6.089 lượt trẻ mồ côi với tổng số tiền hơn 4 tỷ 600 triệu đồng (trong đó chăm lo cho 355 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19, 274 trẻ được các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức). Hơn hai năm triển khai thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đồng tình, ủng hộ, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội chung tay chăm lo những mảnh đời bất hạnh; góp phần xây dựng cộng đồng xã hội yêu thương, chia sẻ, đầy lòng nhân ái.
Tiếp đến, là Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, nửa nhiệm kỳ qua, Hội LHPN các cấp đã vận động trên 60.241 phần quà, tiền mặt với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, học sinh, trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhân các dịp lễ, Tết với tổng số tiền 31 tỷ đồng. Qua đó, phát huy tinh thần tương thân tương ái, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội của địa phương.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh đã phát động toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ nhắn tin ủng hộ phụ nữ biên cương thông qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo, truyền thông, báo chí, website, mạng xã hội và các hình thức phù hợp khác, đã tạo sức lan tỏa ủng hộ Chương trình, thu hút trên 13.106 người tham gia với số tiền ủng hộ gần 250 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp Hội LHPN các tỉnh được Trung ương Hội giao hỗ trợ thực hiện Chương trình tại tỉnh An Giang và vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hưởng ứng ủng hộ Chương trình, kết quả nửa nhiệm kỳ, đã thăm và tặng 1.491 phần quà cho Đồn, chốt Biên phòng; trao 330 suất học bổng; hỗ trợ 93 mô hình sinh kế; trao 15 Mái ấm biên cương với tổng kinh phí thực hiện trên 3 tỷ 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội LHPN các cấp đã duy trì 721 Tổ phụ nữ học tập và làm theo gương Bác, có 10.284 thành viên với các tên gọi khác nhau như: “Kho gạo tình thương”, “Hủ gạo tình thương”; “Tổ phụ nữ tiết kiệm tiền chợ” 2.000đ/ngày để gây quỹ học bổng; “Tổ phụ nữ nuôi heo đất”; “Tổ phụ nữ hùn vốn mua bảo hiểm y tế”, “Gian hàng 0 đồng”… Qua đó, đã tiết kiệm 03 tỷ 499 triệu đồng; 29.059 kg gạo; giúp hơn 16.850 lượt hội viên, phụ nữ, người già neo đơn, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại địa phương bằng gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt với số tiền 10 tỷ 074 triệu đồng. Đồng thời, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã vận động xây dựng 328 căn nhà mái ấm tình thương với số tiền trên 16 tỷ đồng; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Chương trình “Tết yêu thương”, “Bữa sáng yêu thương”, tặng 1.145 phần quà cho hội viên, phụ nữ, học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 700 triệu đồng.
Vận dụng, sáng tạo chăm lo hiệu quả từ các Đề án, Dự án cho phụ nữ và trẻ em
Bên cạnh chăm lo cho hội viên, phụ nữ thông qua các Chương trình, mô hình; Hội LHPN tỉnh còn chủ động, sáng tạo chăm lo nhiều hơn, toàn diện hơn cho hội viên, phụ nữ và trẻ em từ khởi nghiệp phát triển kinh tế đến giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em thông qua các Đề án, Dự án mà Hội được giao nhiệm vụ thực hiện.
Cụ thể, triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939); hàng năm, Hội LHPN tỉnh vừa triển khai các nội dung hoạt động thực hiện Đề án vừa đồng hành, hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 13 hợp tác xã, 117 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành có hơn 1.957 thành viên, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, với thu nhập bình quân từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng/người/tháng. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập mới 02 hợp tác xã có sự tham gia quản lý của phụ nữ; tư vấn 01 hợp tác xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao; giới thiệu 734 chị tiếp cận các nguồn vốn để khởi nghiệp phát triển kinh doanh với số tiền hơn 23 tỷ 126 triệu đồng; tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn về kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp; kỹ năng bán hàng; thương mại điện tử; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… có 1.683 lượt cán bộ Hội các cấp, thành viên các mô hình kinh tế tập thể, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, kế toán hợp tác xã tham dự.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh tổ chức Ngày hội “Phụ nữ An Giang khởi nghiệp” gắn với phát động hưởng ứng Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp hàng năm do Trung ương Hội phát động; tổ chức 32 gian hàng trưng bày giới thiệu, sản phẩm của doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp có trên 180 sản phẩm từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, chế biến thực phẩm. Đẩy mạnh công tác phối hợp sở, ngành, các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp xây dựng hình ảnh sản phẩm, hỗ trợ tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bằng bảo hộ quyền tác giả; đăng ký sử dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… cho 74 doanh nghiệp; giới thiệu 41 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, trong và ngoài nước.
Hội LHPN các cấp duy trì và ra mắt các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế như: “Ống heo tiết kiệm”, “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Hùn vốn xoay vòng”… có 1.616 tổ với 13.476 thành viên; tổng số tiền tiết kiệm trên 28 tỷ đồng, qua đó đã giúp cho 9.433 hội viên số tiền 25 tỷ 348 triệu đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 3.527 lượt hội viên tiếp cận vốn với số tiền 07 tỷ 715 triệu đồng để chăn nuôi, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình; Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp với các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng giới thiệu vay tín chấp cho 4.176 lượt hội viên với số tiền 54 tỷ 706 triệu đồng.
Không chỉ chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội thông qua thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (Đề án 938) với các hoạt động tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ. Cụ thể, tổ chức 02 Hội nghị Báo cáo viên về các nội dung liên quan đến Đề án 938; 02 lớp tập huấn cán bộ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện tham gia triển khai thực hiện các nội dung Đề án; 02 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng cho cán bộ Hội tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ án hôn nhân và gia đình; 01 lớp tập huấn Chi Hội trưởng phụ nữ, Ban Chủ nhiệm CLB, mô hình tham gia thực hiện Đề án; 46 cuộc truyền thông về các nội dung liên quan Đề án có 1.620 hội viên, phụ nữ tham dự; thành lập 11 “Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng” với 141 thành viên tham gia; xây dựng và nhân rộng mô hình “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Tổ phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Song song đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành thành viên triển khai Đề án với các hoạt động thiết thực, phù hợp như: phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động hội thi “Tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới trong trường học”, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em bằng hình thức “Ngày hội Yêu thương và chia sẻ”; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hoạt động nhân bản tài liệu của Bộ Tư pháp, xây dựng tài liệu truyền thông pháp luật của tỉnh và nhân rộng mô hình tủ sách pháp luật trong cộng đồng tại các xã đặc biệt khó khăn; phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông tổ chức triển khai hoạt động tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh các nội dung liên quan đến Đề án 938, xây dựng và xuất bản các sản phẩm truyền thông pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em…
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh triển khai các nội dung Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025, với nhiều cách làm đã mang lại hiệu quả trong công tác chăm lo cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN. Theo đó, để triển khai Dự án 8 đạt hiệu quả, Hội LHPN đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trên địa bàn 34 ấp đặc biệt khó khăn của 13 xã, thị trấn thuộc huyện Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn và thị xã Tịnh Biên.
Hội LHPN tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Tổ truyền thông cộng đồng; 01 lớp tập huấn hướng dẫn hạch toán kinh tế hộ gia đình; 01 lớp tập huấn hướng dẫn đối thoại chính sách; 01 lớp tập huấn hướng dẫn giám sát đánh giá Dự án; 01 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS cấp huyện, cấp xã; 01 lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã địa bàn dự án theo Chương trình 2 về phát triển năng lực lồng ghép giới; 01 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho nữ ứng cử viên tiềm năng vận động tranh cử vào các cơ quan dân cử; 04 cuộc đối thoại chính sách mẫu cấp xã/cụm khóm, ấp; 05 hoạt động truyền thông mẫu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có 250 hội viên, phụ nữ và thành viên Tổ truyền thông cộng đồng; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn hướng dẫn xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng.
Đồng thời, Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức 02 Cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN. Kết quả, qua 2 năm tổ chức, đã có 9.207 tác phẩm tranh và 121 video clip dự thi; Riêng năm 2023 đã chấm chọn và gửi 30 tác phẩm tranh, 15 video clip về Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham dự Vòng Chung khảo cấp Trung ương, kết quả Hội LHPN An Giang được khen thưởng đạt thành tích “Đơn vị huy động được số lượng trẻ em tham gia Cuộc thi nhiều nhất” và 01 giải Khuyến khích tác phẩm sáng tác tranh.
Các cấp Hội xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” là giải pháp then chốt, cốt lõi để tạo tiền đề cho chuỗi hoạt động khác trong Dự án 8 diễn ra thành công; kết quả, đã tổ chức 5.845 cuộc tuyên truyền thu hút 14.784 lượt hội viên, phụ nữ tham dự; cấp phát 4.000 tờ rơi, ấn phẩm quạt nhựa truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập 34 Tổ truyền thông cộng đồng tại các ấp đặc biệt khó khăn; thành lập 07 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.
Từ những nỗ lực nêu trên trong triển khai thực hiện Dự án 8, đã góp phần tích cực trong việc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS&MN, nhất là phụ nữ đã có những bước thay đổi trong suy nghĩ, phát huy nội lực và tương trợ giúp đỡ nhau vượt định kiến giới, có thêm kiến thức kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ gia đình DTTS đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS, nhất là các vùng thực hiện Dự án 8.
Ngày Hội Phụ nữ An Giang khởi nghiệp năm 2024
T.N
Visits: 12