Ngày 8/3 là dấu mốc quan trọng về lịch sử cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ trên toàn thế giới. Đối với nước Việt Nam chúng ta, những ngày tháng 3 không chỉ rộn ràng cùng nhau ôn lại lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mà còn tự hào về truyền thống anh dũng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tiếp bước dưới ánh sáng hào hùng đó, phong trào “Ba đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã khơi gợi, tạo động lực cho các thế hệ Phụ nữ Việt Nam cùng phát huy trí tuệ để cống hiến, xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển bền vững.
Đăng ký thực hiện phong trào “Ba đảm đang” (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)
Tiếp bước truyền thống những trang sử vàng, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” từ tháng 3/1965. Sau đó, phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Bị thua to ở chiến trường miền Nam, ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân cả nước đã ra quân với khí thế cách mạng to lớn; lớp lớp thanh niên tình nguyện lên đường ra mặt trận với tinh thần “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, hàng chục vạn phụ nữ tình nguyện đảm đang “việc nước, việc nhà” để chồng, con yên tâm ra trận.
Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam – Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, ngày 22/3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau đó, phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; để đến hôm nay, hình ảnh phong trào “Ba đảm đang” vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với bao niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí” chị em nữ nông dân “tay cày, tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện về ý nghĩa của phong trào “Ba đảm đang” với chị em phụ nữ Thủ đô (3/5/1965) (Ảnh: T.L)
Thi đua với phụ nữ công nhân, nông dân trên mặt trận lao động sản xuất, chị em công tác trong các ngành y tế, giáo dục, thương nghiệp, văn hóa nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, công tác chính quyền, đoàn thể… luôn nêu cao tinh thần phục vụ; nhiều chị nêu gương sáng tận tụy hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường.
Tha thiết với hạnh phúc gia đình, nhưng để giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng triệu phụ nữ đã gác tình riêng vì nghĩa lớn. Các bà, các chị hiểu rằng nơi trận mạc lành ít, dữ nhiều, nhưng vẫn động viên, khuyến khích chồng, con, người thân lên đường ra trận. Nhiều người mẹ tiễn chồng, con rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha anh lên đường đánh giặc. Trong suốt cuộc chiến tranh giữ nước, đã có biết bao người ra đi không trở lại. Sự hy sinh đó thể hiện tinh thần bất khuất “thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là truyền thống của phụ nữ ta; nhưng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, chưa có cuộc chiến tranh nào lực lượng phụ nữ lại tham gia đông đảo như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hàng chục ngàn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Hình ảnh chị em nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để đi phá bom nổ chậm, nhiều chị đã hy sinh oanh liệt giữa tuổi thanh xuân… mãi mãi là bài ca bất diệt nối tiếp truyền thống yêu nước anh hùng của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Chúng ta tự hào thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 09 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam ta xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”.
Với tình cảm, suy nghĩ và niềm tin vững chắc ấy, tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn dân tộc – nơi khởi phát tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và sự tiến bộ, nhân văn; mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh An Giang hãy tiếp tục truyền lửa, phát huy truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, tô điểm rực rỡ phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ An Giang nói riêng trong thời đại mới, là người phụ nữ có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu./.
Ban Tuyên giáo – Chính sách Luật pháp
Visits: 1423