An Giang: Những điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024
(TUAG)- Những tháng đầu năm 2024, bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển toàn cầu, kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế nước ta nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã ghi nhận nhiều điểm nổi bật, điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Những điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,60%, cao hơn so với cùng kỳ (6,50%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,13%; khu vực dịch vụ tăng 7,61%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng ở khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn ước đạt 4.525 tỷ đồng, tăng 14,38% so với cùng kỳ.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là nền tảng của nền kinh tế. Diện tích trồng lúa chất lượng cao ngày càng mở rộng. Nông sản có sự tăng trưởng tốt về sản lượng và chất lượng; giá bán ổn định ở mức cao so cùng kỳ. Đặc biệt trong những tháng đầu năm, tỉnh An Giang đã xuất khẩu thành công 13 tấn xoài hạt lép và 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc, đánh dấu bước chuyển mình của nông sản tỉnh nhà trong nỗ lực chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Kết quả, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã công nhận thêm 05 xã nông thôn mới, 05 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu và thống nhất trình Trung ương xem xét, công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và phát triển mạnh. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngay từ đầu năm, tỉnh An Giang đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao; tập trung tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng; tổ chức kiểm tra công trình trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thi công. Giá trị giải ngân đến hết tháng 6 ước đạt 3.252 tỷ đồng, đạt 40,5% kế hoạch vốn được giao.
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng đã phấn đấu làm tròn trách nhiệm của mình góp phần đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. Cụ thể, đã bàn giao 10 mỏ cát với khối lượng hơn 15 triệu m3 cho các nhà thầu thi công các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và các đơn vị thi công, vào ngày 23/4/2024, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận – Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ khánh thành dự án Đầu tư xây dựng Tuyến nối quốc lộ 91 và Tuyến tránh thành phố Long Xuyên. Đây là hai dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt về phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng với nhiều mô hình, hoạt động được đổi mới. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại các diễn đàn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch trên toàn quốc và quốc tế; tăng cường liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng; khai trương Cổng thông tin du lịch An Giang (checkinangiang.vn). Ước trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đạt 111.993 tỷ đồng, tăng 14,20% so cùng kỳ. Toàn tỉnh đón tổng số 07 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 16% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời trao Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa tỉnh An Giang với 09 doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có tiềm năng. Qua đó, tạo động lực mới, khí thế mới để thúc đẩy xúc tiến đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo Tết cho Nhân dân được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ và có sự đổi mới.
Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương An Giang; các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, góp phần chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân. Đặc biệt là chuỗi sự kiện chào mừng và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập thành phố Long Xuyên – Quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2024. Về thể thao thành tích cao, có 02 vận động viên của An Giang xuất sắc giành 2/10 suất của Việt Nam chính thức tham dự Olympic Paris 2024.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chuẩn bị chu đáo các nội dung phục vụ diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh năm 2024. Tập trung nắm chắc tình hình, nhất là tình hình an ninh biên giới, các địa bàn trọng điểm; triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự.
Nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế – xã hội An Giang đã có nhiều điểm sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng tốc phát triển trong 6 tháng cuối năm. Để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 từ 7,5 – 8,5% đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Kế hoạch và Kịch bản tăng trưởng kinh tế tỉnh An Giang năm 2024 đã đề ra.
Chủ động triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất thắng lợi vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024; phòng, chống thiên tai, giông lốc…; theo dõi sát tình hình sụt lún, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua địa phận tỉnh An Giang và các công trình trọng điểm khác của tỉnh (Bệnh viện Tim mạch tỉnh, nhà hát, sân vận động tỉnh…). Tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên, khoáng sản.
Triển khai thực hiện công tác xúc tiến đầu tư năm 2024, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư vào 06 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Tháo gỡ, khơi thông nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc của các dự án đang triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tiếp tục xúc tiến thương mại, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là với các địa phương mà tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tuyên Quang.
Lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công nhận Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới. Từ đó, tạo tiền đề cho việc đầu tư và thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn các cấp chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng bằng niềm tin và khát vọng mạnh mẽ vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Nguồn www.angiang.dcs.vn
Sưu tầm H.C
Visits: 4