Logo Description automatically generated

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Công tác cán bộ cho cuộc cách mạng trong Kỷ nguyên mới
- aA +

Công tác cán bộ cho cuộc cách mạng trong Kỷ nguyên mới

Phường Trà An (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) phổ biến các bước lấy ý kiến cử tri về dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đến các thành viên Tổ phát phiếu lấy ý kiến cử tri – Ảnh: VGP

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Đảng ta đã đưa ra những quyết sách mang tính lịch sử. Đây là nền tảng cho việc sắp xếp lại toàn bộ tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Cuộc cách mạng tổ chức hành chính, với việc xóa cấp huyện, sáp nhập xã, tỉnh và tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương, không chỉ là thay đổi về cấu trúc mà là sự chuyển dịch sâu sắc trong tư duy lãnh đạo, quản trị và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, vấn đề nhân sự trở thành trục lõi – vừa nhạy cảm, vừa quyết định thành công hay thất bại của toàn bộ công cuộc cải cách.

Bài 1: Vì công việc – tiêu chuẩn cao nhất

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”. Một thông điệp không chỉ nhằm chấn chỉnh tư duy “chia ghế”, mà còn thể hiện quyết tâm kiến tạo đội ngũ cán bộ đủ tầm thực hiện cuộc cải cách bộ máy lớn nhất từ trước tới nay.

Với tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, năng lực tổ chức thực thi, tư duy đổi mới, khả năng vận hành mô hình mới phải trở thành trung tâm trong đánh giá, bố trí cán bộ. Đó là bước chuyển rất căn bản, quyết liệt nhưng cần thiết, để kiến tạo đội ngũ đủ tầm, đủ tâm, đủ sức dẫn dắt bộ máy mới đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững.

Tư duy đột phá từ Hội nghị Trung ương 11

Sau Hội nghị Trung ương 11, một trong những thay đổi lớn nhất trong tổ chức hệ thống chính trị là việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Theo đó, cấp huyện sẽ chấm dứt tồn tại, hàng loạt đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ được sáp nhập, tinh gọn mạnh mẽ. Đây không chỉ là sự thay đổi về ranh giới hành chính, mà là cuộc tái cơ cấu toàn diện mô hình quản trị địa phương, mở ra không gian phát triển mới và yêu cầu mới về tổ chức bộ máy.

Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, các địa phương sẽ phải tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong điều kiện bộ máy mới. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bố trí lại đội ngũ cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh – không chỉ cho phù hợp về mặt hành chính, mà còn phải đủ năng lực đáp ứng các chức năng quản trị lớn hơn, toàn diện hơn.

Đại hội Đảng bộ xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Đại hội Đảng bộ xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận

Trong bối cảnh đó, một loạt câu hỏi đặt ra: Ai sẽ đứng đầu các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập? Việc sắp xếp nhân sự căn cứ vào đâu – theo địa bàn hay theo năng lực? Làm thế nào để tránh tình trạng “hòa cả làng”, chia đều vị trí, giữ nguyên người cũ mà không đặt câu hỏi về tính phù hợp với mô hình và yêu cầu mới?

Đây thực sự là bài kiểm tra bản lĩnh và tư duy tổ chức của các cấp ủy, người đứng đầu, cũng như là thước đo cho việc chuyển biến tư duy từ “giữ ổn định” sang “kiến tạo đổi mới”.

Từ ổn định sang kiến tạo

Cách tiếp cận cũ trong tổ chức cán bộ thường dựa trên “địa bàn hành chính”, “quân số chính trị”, “cơ cấu vùng miền” và tâm lý “an toàn chính trị” – tức là chọn người sao cho giữ được sự cân bằng, không gây va chạm, không tạo xáo trộn. Tuy vậy, cách làm này đã bộc lộ hạn chế: dễ rơi vào tình trạng dàn trải, cào bằng, giữ ghế nhưng không tạo được đột phá, và thậm chí là giữ ghế cho những người không còn phù hợp với yêu cầu mới.

Trong bối cảnh mới hiện nay với tinh thần lấy hiệu quả làm trung tâm, đòi hỏi cán bộ phải: Hiệu quả trong tổ chức thực thi nhiệm vụ mới, phù hợp với mô hình bộ máy 2 cấp; Hiệu quả trong vận hành không gian phát triển rộng hơn, linh hoạt hơn; Hiệu quả trong khả năng dẫn dắt đổi mới, khơi thông nguồn lực tại địa phương.

“Tôi đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”.

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Điều đó đòi hỏi cán bộ phải là người tổ chức được công việc trong một cấu trúc mới – vừa ít tầng nấc hơn, vừa đòi hỏi trách nhiệm sâu hơn. Ở cấp tỉnh, cán bộ không chỉ làm trung gian truyền đạt chính sách Trung ương, mà còn là trung tâm điều phối vùng, chủ động hoạch định chiến lược phát triển địa phương, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm đầu ra. Ở cấp xã, cán bộ phải thực sự gần dân, sát dân, hiểu dân và phục vụ dân hiệu quả hơn trong một đơn vị hành chính mở rộng cả về quy mô và chức năng.

Hiệu quả không phải là kết quả báo cáo, mà là khả năng đưa chủ trương thành thay đổi cụ thể trong đời sống của người dân và hiệu suất vận hành của bộ máy mới. Tư duy “hiệu quả” trong công tác cán bộ vì vậy không chỉ là năng lực hành chính, mà còn là khả năng thích ứng, tổ chức thực thi và tạo ra kết quả thực chất, có thể đo đếm được. Đó là sự chuyển dịch từ “giữ ổn định” sang “kiến tạo phát triển”.

Không dễ chọn nhưng phải quyết đoán

Việc chọn người “vì công việc” không dễ. Nó sẽ va chạm đến tâm lý vùng miền, sự nhạy cảm chính trị và cả lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, nếu không quyết liệt từ đầu, công cuộc cải cách tổ chức bộ máy rất dễ bị chệch hướng ngay trong khâu tổ chức nhân sự. Do đó, Trung ương yêu cầu phải có hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn; giao thẩm quyền cho Ban Thường vụ cấp tỉnh đồng thuận và nếu cần, có sự chỉ đạo từ cấp Trung ương.

Trong bối cảnh cải cách lớn, bản lĩnh của người đứng đầu chính là dám chọn người xứng đáng, thậm chí giỏi hơn mình, để dẫn dắt tập thể đi xa hơn. Nếu mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng thực sự lấy yêu cầu công việc làm trung tâm, thì lựa chọn cán bộ sẽ không còn là sự sắp xếp cơ học, mà là hành động thiết thực bảo vệ thành quả cải cách. Đó chính là lúc tư duy “vì công việc” trở thành thực tiễn tổ chức bộ máy hiệu quả và phát triển.

Mỗi lựa chọn nhân sự không chỉ ảnh hưởng một nhiệm kỳ, mà có thể định hình cả sự phát triển dài hạn của không gian hành chính – kinh tế – xã hội sau sáp nhập. Vì thế, nếu chọn sai – vì thỏa hiệp hay cục bộ – thì hệ quả không chỉ là “hiệu quả kém”, mà là đánh mất cơ hội chiến lược cho cả vùng.

Bài sau: Nhân sự sau sáp nhập: Không thể “hòa cả làng”

Nguồn: phunuvietnam.vn

Sưu tầm: H.C

 

Visits: 1

Bài viết Liên quan
Thông báo mới
video clip
Dự án 8: Khơi dậy khát vọng phát triển trong kỷ nguyên mới

Sau 5 năm triển khai, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 cơ bản đã hoàn thành 4 nội dung trọng tâm, 8/9 chỉ tiêu cốt lõi đã đạt và vượt kế hoạch. Dự án đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của người dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025″.

Nguồn: Hội LHPN Việt Nam

Sưu tầm: H.C

 

Visits: 1

Thư viện tài liệu