Logo Description automatically generated

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Dấu hiệu, cách điều trị và biến chứng nguy hiểm về bệnh cảm lạnh ở trẻ
- aA +

Dấu hiệu, cách điều trị và biến chứng nguy hiểm về bệnh cảm lạnh ở trẻ

Trẻ có thể bị cảm lạnh vào bất cứ mùa nào trong năm – đây là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra, dễ bị nhầm lẫn với cúm mùa, ho gà, RSV, viêm phế quản,… Cảm lạnh ở trẻ có thể không cần điều trị nhưng có một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị cảm lạnh cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Cảm lạnh thông thường ở trẻ là bệnh gì?

Cảm lạnh ở trẻ là một nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây ra, là một bệnh đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ em, từ trẻ sơ sinh tới trẻ nhỏ. Theo thống kê, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thường bị cảm lạnh từ 8 đến 10 lần một năm trước khi được 2 tuổi. Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo bị cảm lạnh khoảng 9 lần một năm, trong khi trẻ mẫu giáo có thể bị cảm lạnh tới 12 lần một năm.

Trẻ bị cảm lạnh chủ yếu vào các tháng mùa lạnh hay khi thời tiết thay đổi thất thường. Dưới đây là những thông tin mà cha mẹ cần nắm rõ về bệnh cảm lạnh ở trẻ, bao gồm dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh, đường lây cảm lạnh, cần làm gì khi trẻ bị cảm lạnh cũng như các biến chứng và dấu hiệu nguy hiểm cho thấy trẻ cần được tới cơ sở y tế khám bệnh càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu, cách điều trị và biến chứng nguy hiểm về bệnh cảm lạnh ở trẻ- Ảnh 1.

Triệu chứng trẻ bị cảm lạnh là gì? Ảnh: ST

1. Triệu chứng trẻ bị cảm lạnh là gì?

Sau thời gian ủ bệnh từ 24 đến 72 giờ, khi virus cảm lạnh xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sẽ dẫn tới màng lót mũi và cổ họng của trẻ bị viêm sưng nên triệu chứng trẻ bị cảm lạnh thường bao gồm ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Ban đầu nước mũi chảy ra có màu trắng trong, loãng nhưng về sau nước mũi đặc dần và có thể có màu vàng hoặc màu xanh. Cảm lạnh ở trẻ cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như:

– Đau họng, ngứa cổ họng. Ở trẻ sơ sinh có thể chảy dãi nhiều hơn, sưng hạch bạch huyết.

– Đau đầu, đau mỏi cơ thể mức độ nhẹ.

– Hắt hơi.

– Sốt, thường là sốt nhẹ, không sốt liên tục.

– Đau tai.

– Mất vị giác, khứu giác.

– Mệt mỏi và cáu kỉnh.

– Khó ngủ.

– Chán ăn, bỏ ăn, giảm cảm giác thèm ăn.

Những triệu chứng này thường không phải là nguyên nhân gây lo ngại, ngoại trừ trẻ sơ sinh hoặc trẻ em bị suy giảm miễn dịch, cảm lạnh ở trẻ khỏe mạnh không nguy hiểm. Trẻ bị cảm lạnh thường tự khỏi sau 4 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Trẻ bị ho do cảm lạnh có thể kéo dài lâu hơn một chút và có thể gây khó chịu cho trẻ, ảnh hưởng tới sinh hoạt nhưng sẽ không gây tổn thương phổi hay đường hô hấp dưới nói chung. Nhìn chung, triệu chứng chảy nước mũi và ho khan khi bị cảm lạnh sẽ thuyên giảm dần trong 10 – 14 ngày.

Dấu hiệu, cách điều trị và biến chứng nguy hiểm về bệnh cảm lạnh ở trẻ- Ảnh 2.

Trẻ bị cảm lạnh thường tự khỏi sau 4 đến 10 ngày mà không cần điều trị (Ảnh: ST)

2. Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ

Theo WebMD, có tới hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh ở trẻ và người trưởng thành, nhưng thủ phạm phổ biến nhất khiến trẻ bị cảm lạnh là rhinovirus.

Rhinovirus thuộc họ Picorna virus, là nguyên nhân gây ra 10 – 40% các ca bị cảm lạnh, thường hoạt động mạnh nhất vào mùa xuân, mùa hè và giai đoạn đầu mùa thu. Rhinovirus có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là nhóm trẻ em. May mắn rằng bệnh do rhinovirus gây ra thường hiếm khi trở nặng.

Cảm lạnh lây qua đường nào? Virus gây cảm lạnh có thể lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn chứa lượng nhỏ virus trong không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Ngoài ra, các bề mặt cũng có thể chứa virus gây cảm lạnh, nếu trẻ vô tình chạm vào và đưa tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng đều có thể khiến virus xâm nhập gây bệnh.

Trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh cao hơn? Nguy cơ cảm lạnh cao hơn ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện; trẻ mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch; trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại, khói thuốc lá; trẻ không được bảo vệ và chăm sóc đường hô hấp đúng cách; trẻ bị dị ứng theo mùa; trẻ ở độ tuổi đi học hoặc trẻ thường xuyên di chuyển tới những khu vực đông người.

3. Cần làm gì khi trẻ bị cảm lạnh?

Bệnh cảm lạnh có nguyên nhân là do virus, vậy nên thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng để giúp khỏi bệnh nhanh hơn. Khi trẻ bị cảm lạnh, điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn cũng như hệ miễn dịch có thời gian chống lại nhiễm trùng.

Dấu hiệu, cách điều trị và biến chứng nguy hiểm về bệnh cảm lạnh ở trẻ- Ảnh 3.

Cần làm gì khi trẻ bị cảm lạnh? Ảnh: ST

– Cho trẻ uống nhiều nước, chẳng hạn như dung dịch điện giải, nước trái cây, nước súp, nước cháo loãng; đối với trẻ sơ sinh hãy tăng cữ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng lên. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước do cảm lạnh ở trẻ.

– Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn.

– Thử dùng dụng cụ xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp vệ sinh mũi họng, giảm nghẹt mũi.

– Giữ trẻ tránh xa khỏi môi trường ô nhiễm hoặc các nguồn khói thuốc lá, nếu tiếp xúc trong thời gian bị cảm lạnh sẽ khiến tình trạng kích ứng ở mũi và họng trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, thời gian phục hồi do cảm lạnh ở trẻ cũng kéo dài hơn.

– Sử dụng thuốc không kê đơn cho các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng nhiều hơn liều lượng được khuyến nghị trên nhãn thuốc để trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bất kỳ loại thuốc nào cũng cần tham khảo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc ho, thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine.

– Nếu trẻ bị sốt, cho trẻ dùng paracetamol hoặc ibuprofen (nếu đã loại trừ nguyên nhân không phải do sốt xuất huyết) để hạ sốt và giảm đau mỏi người. Không cho trẻ dưới 19 tuổi sử dụng aspirin vì thuốc có liên quan tới hội chứng Reye nghiêm trọng; trẻ dưới 6 tháng tuổi không dùng ibuprofen. Đồng thời giữ trẻ ở nhà cho tới khi trẻ cắt sốt hoàn toàn, nghĩa là không cần sử dụng thuốc hạ sốt liên tục trong ít nhất 24 giờ.

Nguồn: phunuvietnam.vn

Sưu tầm: H.C

 

Visits: 4

Bài viết Liên quan