Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN việt Nam điều hành phiên khai mạc Hội nghị sáng 14/12/2023.
Theo Dự thảo báo cáo kết quả công tác Hội của Đoàn Chủ tịch trình Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, năm 2023, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện các chỉ tiêu trong năm cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Các cấp Hội có nhiều hoạt động nổi bật, tạo dấu ấn và có sức lan tỏa trong xã hội.
Sáng 14/12, tại Hội nghị BCH lần thứ 7 TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác Hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
“Với tinh thần đổi mới, sáng tạo quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, năm 2023 các chỉ tiêu trong năm cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm qua, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện hiệu quả Chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở” gắn với hai khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” và “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh”.
Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đạt được nhiều kết quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác Hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Hơn 27.000 trẻ mồ côi được chăm sóc
Các chương trình/hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Hội gắn với đảm bảo an sinh – xã hội đã tác động sâu rộng, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã trở thành hoạt động của cả hệ thống chính trị. Sự kiện Trại hè “Hoa hướng dương” đã lan tỏa sâu rộng giá trị nhân văn. Đến tháng 11/2023, lũy kế Hội LHPN các cấp và hội viên, phụ nữ cả nước đã vận động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi, trong đó, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam và Hội Nữ doanh nhân các tỉnh, thành đã nhận đỡ đầu 843 trẻ với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Giúp hơn 68.000 hộ có phụ nữ thoát nghèo
Các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được thúc đẩy mạnh mẽ, đổi mới về chất theo hướng hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp, các nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên, phụ nữ. Tính đến 30/11/2023, các cấp Hội ước giúp 68.786 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo dưới nhiều hình thức; hỗ trợ thành lập mới 209 hợp tác xã. 100% tỉnh, thành đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (hàng trên, bìa phải ) tham dự Hội nghị BCH lần thứ 7 TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII
Công tác giám sát, phản biện xã hội có nhiều chuyển biến tích cực
Trong năm 2023, Hội LHPN các tỉnh, thành chủ trì giám sát 99 chính sách; Hội LHPN cấp huyện và cấp cơ sở phối hợp giám sát 10.128 chính sách. Qua giám sát, các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương, làm căn cứ đề xuất chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.
Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dưới góc độ giới; tham gia phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đã đưa ra đề xuất lồng ghép bình đẳng giới vào 4 nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và 5 nội dung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tham mưu Chính phủ ban hành Đề án 01.
Thành lập hơn 5.000 tổ truyền thông cộng đồng, hơn 700 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”
Hoạt động vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới được đổi mới. Trong đó, Dự án 8 “Bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được các cấp Hội triển khai rộng rãi và có nhiều đổi mới. Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là tập trung triển khai các mô hình, hoạt động chỉ đạo điểm, đặc biệt là các mô hình dựa vào cộng đồng. Tính đến tháng 11/2023, đã thành lập 5.477 Tổ truyền thông cộng đồng, 703 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 50 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã, thành lập và củng cố 876 địa chỉ tin cậy; hỗ trợ, tư vấn 1.400 phụ nữ, trẻ em địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 376 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản…
Nguồn:phunuvietnam.vn
Sưu tầm: H.C
Toàn cảnh Hội nghị BCH lần thứ 7 TƯ Hội LHPN Việt Nam khoá XIII sáng 14/12
Cả nước có hơn 19,5 triệu hội viên phụ nữ
Dự thảo báo cáo cho biết, năm 2023, công tác thu hút, tập hợp hội viên đạt được nhiều kết quả mới. Nhiều tỉnh, thành vượt chỉ tiêu ở mức cao. Hội LHPN các tỉnh, thành lựa chọn các hoạt động trọng tâm, chỉ đạo rõ người, rõ việc, tập trung hướng về cơ sở; nâng cao chất lượng cán bộ Hội, hoạt động các chi tổ. Cả nước giảm 911 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ tham gia tổ chức Hội (vượt so với chỉ tiêu đăng ký năm).
Tính đến 30/11/2023, tổng số hội viên: 19.668.108, tăng so với 2022 là 247.449 hội viên. Đã có 55 Hội LHPN tỉnh, thành phố tổ chức kết nạp, công nhận 20.500 hội viên danh dự, đa phần là nam giới, đóng góp và ủng hộ tích cực cho các hoạt động Hội. Trong năm, Hiệp Hội Nữ doanh nhân Việt Nam kết nạp mới 3 Hội Nữ doanh nhân, Hội Nữ trí thức Việt Nam thành lập mới 4 Chi hội.
Đặc biệt, hoạt động tôn vinh, biểu dương Chủ tịch Hội cơ sở được tổ chức sâu rộng từ cấp cơ sở tới cấp toàn quốc đã tạo nên động lực to lớn khích lệ tinh thần cống hiến của cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở.
7 chỉ tiêu triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2024
Dự thảo kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2024 do Đoàn Chủ tịch trình Ban chấp hành cho biết, chủ đề năm 2024 là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” cùng với 7 chỉ tiêu, 2 nội dung và 3 nhiệm vụ trọng tâm.
1. 100% cơ sở Hội duy trì thường xuyên ít nhất 01 loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
2. Giúp 34.000 hộ nghèo, cận nghèo có phụ nữ được thoát nghèo, thoát cận nghèo; 18.600 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh được hỗ trợ nâng cao năng lực; vận động, hỗ trợ thành lập mới 73 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý.
3. 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về phát hiện trong năm được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội.
4. 100% cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 05 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; 100% cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 01 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
5. Tăng 170.400 hội viên; tăng 88% số cơ sở Hội tập hợp được từ 60% trở lên phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa bàn.
6. Trung ương Hội và 100% Hội LHPN cấp tỉnh chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách và phản biện xã hội ít nhất 01 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và tổ chức Hội; mỗi Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý ít nhất 01 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.
7. Các chỉ tiêu thực hiện chủ đề năm 2024, trong đó đảm bảo 13.220 cán bộ chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 67.110 chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.
Nguồn:phunuvietnam.vn
Sưu tầm: H.C
Visits: 47