Quá trình xây dựng và phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị – xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với quá trình phát triển đất nước, tổ chức Hội LHPN Việt Nam được khắc ghi bởi các dấu mốc lịch sử quan trọng:
Sự ra đời của các tổ chức phụ nữ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập
Năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản từ ngày 6/1/1930 – 8/2/1930, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội Phụ nữ Giải phóng.
Ngày 3/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội LHPN Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/10/1946, Hội LHPN Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tên gọi Hội LHPN Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay.
Giai đoạn 1946 – 1954, Hội LHPN Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào: Phụ nữ học cày bừa, tăng gia sản xuất đảm bảo cho bộ đội “ăn no đánh thắng”, mua công phiếu kháng chiến, phong trào Đời sống mới, Hội mẹ chiến sĩ… được tổ chức ở khắp nơi. Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công… Hoạt động của Hội đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn 1954 – 1975, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, miền Bắc xây dựng CNXH, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ Ngụy. Trước tình hình đó, tháng 3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổ chức Hội hai miền Nam Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền, đồng thời cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội hai miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ.
Tháng 3/1961, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Đến tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào “Ba đảm đang” là bước phát triển mới của phong trào “5 tốt”, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 1965 – 1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện tại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam và là bộ phận khắng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Hội LHPN Việt Nam phát triển và hội nhập
Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10 – 12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội LHPN toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí quyết nghị: Thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội LHPN trong cả nước trong một tổ chức là Hội LHPN Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Đến năm 2010, tại Thông báo số 382-TB/TW ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hằng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam.
Trong mỗi giai đoạn phát triển đất nước, Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào, cuộc vận động phù hợp với đặc điểm và tình hình phụ nữ, nổi bật như: phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”… Các phong trào, cuộc vận động đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự ủng hộ, tích cực hưởng ứng của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cả nước.
Có thể nói, trải qua lịch sử 94 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam đã và đang ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội LHPN Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội trong nước đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; triển khai nhiều chương trình nhằm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để phụ nữ tiến bộ, bình đẳng; đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, tâm huyết, phấn đấu nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tổ chức Hội được củng cố và phát triển, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đồng thời, Hội LHPN Việt Nam cũng phát huy vai trò, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, chú trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, tích cực tham gia các cơ chế đa phương./.
Ban Tuyên giáo – Chính sách Luật Pháp Hội LHPN tỉnh
Visits: 4462