Cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt trong khi hệ thống giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng thay đổi. Trong bối cảnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Loại bỏ trường không đạt chuẩn vào năm 2030
Nói đến hệ thống cơ sở giáo dục đại học hiện nay, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những hạn chế khá lớn. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam tập trung quá nhiều ở các thành phố lớn, thiếu sự liên kết vùng, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển khoa học-công nghệ, chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Quy hoạch Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm do đó được đặt ra với mục tiêu là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ, hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý. Quy hoạch nêu rõ việc hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 4 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Điểm đặc biệt đáng chú ý của quy hoạch là việc đề ra tới năm 2030, tất cả các trường đại học đều đạt chuẩn. Như vậy, các trường không đạt chuẩn sẽ chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: “Quy hoạch không phải để giải thể hay “trừng phạt” các trường mà là để củng cố, đầu tư, hiện đại hóa các trường đại học. Các trường được mở rộng không gian phát triển, được đầu tư cơ sở vật chất; đặc biệt, các trường đại học vùng, đại học quốc gia, các trường trọng điểm sẽ được nâng cao năng lực, chất lượng và mở rộng quy mô. Quy hoạch là để xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục đại học vững mạnh hơn. Nếu trường nào không hòa mình và tận dụng được cơ hội này để phát triển, hoạt động kém hiệu quả thì cũng cần có những biện pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích chung của toàn ngành và toàn xã hội. Các trường đại học không nằm trong quy hoạch cũng sẽ có chương trình, đề án khác nhau để được đầu tư”.
PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm: “Quy hoạch này là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các trường cần cố gắng hơn để đạt các chỉ tiêu tối thiểu về chuyên môn, học liệu số, chất lượng đầu ra… Nếu trường nào không đạt chỉ tiêu đó thì phải chấp nhận việc sẽ bị sáp nhập hoặc giải thể. Như vậy, về lâu dài, các trường mới có thể tồn tại trong bản đồ giáo dục đại học Việt Nam”.
Cơ hội để mỗi trường tự nâng cấp
Một trong những trọng tâm của quy hoạch là tập trung đầu tư vào các trường đại học trọng điểm, như đại học quốc gia, đại học vùng, các trường sư phạm, trường kỹ thuật-công nghệ, y dược… Những trường này sẽ đóng vai trò hạt nhân trong hệ thống, thúc đẩy liên kết và nâng cao chất lượng giáo dục đại học toàn quốc. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, lợi ích đầu tiên chính là nâng cao chất lượng đào tạo. Khi các trường được sắp xếp hợp lý, bảo đảm đạt chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo, sinh viên sẽ có môi trường học tập tốt hơn; cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng với chi phí hợp lý cũng sẽ được mở rộng.
Theo quy hoạch, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là một trong 14 cơ sở giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên của cả nước. TS Cao Bá Cường, Phó hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Định hướng này đòi hỏi nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên, phát huy thế mạnh đào tạo giáo viên. Để đạt được mục tiêu đề ra, nhà trường sẽ chú trọng đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, ứng dụng công nghệ trong đào tạo”.
Với Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS, TS Nguyễn Phong Điền cho rằng: “Quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học sẽ tạo động lực nhưng cũng là áp lực cho lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các trường. Kỹ thuật công nghệ là lĩnh vực thay đổi hằng ngày, đặc biệt là công nghệ mũi nhọn như AI. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm tới sự thay đổi này để đáp ứng nhu cầu chất lượng đầu ra của các cử nhân, kỹ sư, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhân lực. Hiện khối các trường công lập đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật đã bàn và tạo cơ chế hợp tác chặt chẽ để phát triển chất lượng cũng như nâng cao số lượng đào tạo lĩnh vực STEM”.
Trong khi đó, theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), các cơ sở giáo dục đại học nằm trong danh mục đầu tư trọng điểm nên đặt cho mình một trọng trách nặng nề hơn để trở thành trường đại học dẫn dắt, đạt chuẩn. Đạt chuẩn ở đây không chỉ trong nước mà phải cạnh tranh với các trường đại học khác trong khu vực.
Không chỉ hướng tới các trường trọng điểm mà quy hoạch còn mở ra cơ hội phát triển cho tất cả các trường đại học và sư phạm trong hệ thống, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các trường không có tên trong danh mục trường trọng điểm giai đoạn này có thể phát triển về chất lượng và quy mô đào tạo, trở thành trường trọng điểm.
Theo quy hoạch, định hướng phân bố số lượng cơ sở giáo dục đại học (theo trụ sở chính) tại các vùng có khoảng 172-176 cơ sở giáo dục đại học công lập, 68-72 cơ sở tư thục; định hướng phân bố quy mô đào tạo tại các vùng, địa phương đề xuất khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có quy mô đào tạo khoảng 120.000-130.000 người học, Đồng bằng sông Hồng là 1.200.000-1.300.000 người, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 360.000-420.000 người, Tây Nguyên là 60.000-65.000 người, Đông Nam Bộ là 1.000.000-1.100.000 người, Đồng bằng sông Cửu Long là 270.000-300.000 người học.
Nguồn: qdnd.vn
Sưu tầm: H.C
Visits: 0