PNO – Hãy hỏi phụ nữ mong chờ điều gì trước quyết định sinh con và trao cho họ (những) điều ấy, họ sẽ sẵn lòng sinh con.
- Đừng thổi bùng nỗi lo đến mức không dám sinh con
- Hoãn sinh lo sự nghiệp, e hối hận muộn màng
- Giới trẻ và trend “lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con”
Ảnh minh họa |
Nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc đang rất cố gắng cải thiện tỉ lệ sinh, đưa ra nhiều chính sách khuyến sinh, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Vậy thì ở Việt Nam, chúng ta nên nhìn nhận và giải quyết câu chuyện này từ đâu?
Tôi là một người trồng rừng, nên tôi quan sát cây cối mỗi ngày. Mời bạn cùng tôi xem hình ảnh cây sầu riêng buông trái giữa mùa khô Tây Nguyên. Tại Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum… nhiều vườn cà phê hoa cháy đen vì nóng, đương nhiên chẳng thể đậu trái.
Quy luật của tự nhiên là vậy – nếu các điều kiện sinh trưởng không thuận lợi, cây sẽ chỉ giữ lượng trái vừa đủ khả năng chúng có thể nuôi. Trong một môi trường thiếu thức ăn hoặc bị săn đuổi, thú cũng sẽ không sinh sản hoặc sẽ sinh rất ít.
Cây sầu riêng buông trái giữa mùa khô khốc liệt của Tây Nguyên |
Với con người, con cái là trời cho, con cái là món quà. Không điều gì có thể so sánh được với nụ cười, tiếng nói trẻ thơ trong gia đình. Khoảnh khắc được ôm con trong vòng tay luôn thiêng liêng và ngập tràn hạnh phúc. Những điều đó không có gì phải bàn cãi. Vậy tại sao tỉ lệ sinh lại giảm? Trong khảo sát bỏ túi của người viết đối với bạn hữu – những người chọn trì hoãn sinh con – có khá nhiều lý do.
Sinh 1 đứa trẻ, phụ nữ sẽ mất ít nhất 1 năm (có thể đến tận 5 năm) ngừng phát triển sự nghiệp, bởi phần lớn thời gian của họ sẽ dành cho con, trong lúc đồng nghiệp vẫn không ngừng tiến tới. Giữa bối cảnh việc làm khó khăn, nhất là sau dịch COVID-19, ngừng lại là điều mọi phụ nữ sẽ phải cân nhắc.
Cũng tương tự như nhiều nước châu Á (thậm chí cả châu Âu), chi phí sinh hoạt, nguy cơ lạm phát đã buộc phụ nữ phải gói ghém cho bản thân, cho gia đình (bao gồm cả phụng dưỡng cha mẹ). Việc có thêm 1 đứa trẻ sẽ gia tăng gánh nặng chi phí. Dù Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt lạm phát, lo lắng của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa hôn nhân, trước khi quyết định sinh con cũng rất đáng được thông cảm.
Nghe tưởng như xa xôi và mơ hồ, song kể cả chuyện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng được thế hệ Y, thế hệ Z quan tâm nhiều hơn và đặt lên bàn cân trước quyết định có con hay không và nếu sinh con thì sinh vào lúc nào. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực từ môi trường sống, sự gia tăng các bệnh tật đến thiệt hại về kinh tế… Và nhiều người trẻ đã quyết định chưa sinh con, vì không muốn đứa bé của mình phải sống giữa “muôn trùng tai ương” như vậy.
Rõ ràng, trong những yếu tố khiến họ ngại sinh con nêu trên, chúng ta không thấy có vấn đề liên quan tiền thưởng hay bằng khen. Thực tế là dù Hàn Quốc đã có nhiều chính sách kinh tế ủng hộ phụ nữ mang thai và sinh con, tỉ lệ sinh của xứ kim chi vẫn chưa hề được cải thiện. Kể cả khi chính quyền tổ chức những buổi tiệc hẹn hò, tạo điều kiện cho nam nữ tìm hiểu nhau hướng đến hôn nhân, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Không ai dám chắc chắn về việc nếu kết hôn thì các đôi vợ chồng trẻ sẽ sinh con, càng không ai dám chắc nếu được thưởng tiền thì họ sẽ sinh đủ 2 con hoặc hơn.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Làm mẹ là thiên chức cao cả. Ngày nay, khi thế giới đang kêu gọi bình đẳng giới và trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ, phụ nữ nên được trao quyền quyết định việc họ sẽ sinh con hay không và sinh bao nhiêu con. Thay vì kêu gọi phụ nữ sinh con trước 35 tuổi, nhắc nhở họ về niềm vui có con (những điều ấy, tin rằng mọi phụ nữ đều biết) hay tạo ra một áp lực về việc nối dõi tông đường, có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào các vấn đề phụ nữ đang lo lắng để cải thiện chúng.
Ưu tiên mua/thuê nhà ở xã hội, được trợ cấp đi học nâng cao nghiệp vụ, tăng số trường công lập cho trẻ em học hành, cải thiện môi trường sống… là những giải pháp trước mắt lẫn lâu dài hướng đến một tỉ lệ sinh bền vững lẫn một xã hội phát triển bền vững.
Khi phụ nữ yên tâm rằng việc sinh con sẽ không gây xáo trộn quá nhiều đến đời sống cá nhân và gia đình, sinh con sẽ vẫn đảm bảo được quyền lợi học hành, phát triển bản thân, tin rằng họ sẽ thoải mái chọn được làm mẹ. Hãy hỏi phụ nữ mong chờ điều gì trước quyết định sinh con và trao cho họ (những) điều ấy, họ sẽ sẵn lòng sinh con.
Đương nhiên, khuyến sinh không phải là sinh con vô độ. Chính sách khuyến sinh cần đi kèm với cơ chế kiểm soát dân số hợp lý để tránh tình trạng bùng nổ dân số.
Phạm Thành Nhân
Hãy giúp chị em tự tin thực hiện thiên chức
“Sinh con rồi nuôi con, chị có cảm thấy hành trình ấy gây trở ngại cho sự thăng tiến trong công việc, buộc chị phải chọn 1?” – không ít lần tôi nhận được câu hỏi như vậy. Nếu trả lời “không” thì không thật thà với bản thân, mà nói “có” thì có vẻ mình là người tham lam, ích kỷ. Có lẽ đây cũng là câu hỏi hầu hết chị em phụ nữ chúng tôi đều từng đặt ra cho mình, khi có con. Người ta nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Thế nhưng phụ nữ chúng tôi cũng có những mơ ước, cũng có thời thanh xuân tươi đẹp với bao hoài bão. Đó không hẳn là sự thăng tiến hay chức vụ, mà đơn giản là được tự do làm điều mình thích. Sinh con và nuôi con có thể khiến bạn phải tự hạn chế bản thân, ít tự do hơn, ít được sống hoàn toàn cho sở thích. Bản thân tôi cũng đã 2 lần xin không tham gia khóa học do cơ quan cử đi đào tạo ở Anh vì con tôi còn nhỏ quá. Bây giờ, khi con đã lớn, tôi vẫn không hối hận vì mình đã chọn con, thay vì nắm lấy cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tôi tin rằng, nếu mình vẫn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, thì mình sẽ có con đường khác, cơ hội khác ở phía trước. Phụ nữ, khi đã làm mẹ, chúng tôi sẽ có xu hướng chọn giải pháp vẹn cả đôi đường – bước chậm lại một vài nhịp so với bạn bè đồng nghiệp trên con đường tiến thân, vì tôi hiểu trên đời này không ai cần tôi hơn con tôi – nhất là khi con còn nhỏ.
Ngày nay, các bạn trẻ có cách sống và suy nghĩ khác thế hệ chúng tôi ngày trước. Bạn bè tôi mỗi khi ngồi lại với nhau vẫn hay nói: “Bây giờ sao người trẻ không chịu có con, mặc dù điều kiện sống, nuôi con đã tiến bộ, thuận tiện hơn trước rất nhiều?”. Tôi cảm thông với những đôi vợ chồng trẻ khi họ có quá nhiều chuyện phải lo toan cho cuộc sống. Ngẫm lại thời chiến tranh khốc liệt, ông bà vẫn sinh dưỡng cha mẹ, rồi cha mẹ lại sinh ra và nuôi dưỡng đàn con nên người. Ngày xưa, gia đình có 4-5 người con không phải hiếm, thậm chí có nhà còn sinh hơn 10 đứa con mà không hiểu bằng cách nào đó, các cụ vẫn lo chu toàn. Tôi hiểu mọi so sánh đều khập khiễng, và thời đại nào cũng có cái khó khăn và thuận lợi mà chỉ những người sống trong hoàn cảnh ấy mới có thể cảm nhận rõ. Nhưng tôi cũng tin rằng làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng mà thượng đế ban tặng cho phụ nữ. Con cái cũng là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của gia đình. Để giúp phụ nữ chúng tôi yên tâm sinh con – các ông chồng cũng phải cùng vợ chia sẻ gánh nặng kinh tế và tham gia chăm sóc con cái. Về chính sách quản lý vĩ mô của Nhà nước, chúng tôi mong được tạo điều kiện về việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp sau khi có con. Sự quan tâm chia sẻ trách nhiệm từ góc độ gia đình, xã hội, cộng với chế độ chính sách tốt cho phụ nữ sau sinh sẽ giúp chúng tôi thấy nhẹ nhàng khi thực hiện thiên chức cao cả, thấy hạnh phúc vì được gia đình thương yêu, xã hội tôn trọng. Quan Gia Bình – Phó giám đốc Văn phòng B, Mai Lâm (ghi) |
Nguồn Báo Phụ nữ TP. HCM
Sưu tầm H.C
Visits: 9