Lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Vào ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt tại thành phố New York (Mỹ) đứng dậy đấu tranh đòi cải thiện điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân trong một hãng dệt tại Mỹ thành lập công đoàn đầu tiên và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909. Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch, các đại biểu đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người đã đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ thế giới với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Cuộc biểu tình đòi quyền lợi của phụ nữ.
Liên Hợp Quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ trong Năm Quốc tế Phụ nữ 1975. Năm 1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8/3 là Ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới. Như vậy, ngày 8/3 hằng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở Việt Nam, vào ngày 8/3, người ta còn tưởng nhớ đến Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng của dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại sự đô hộ của nhà Đông Hán (Trung Quốc) và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, những thủ lĩnh nghĩa quân yêu nước ở khắp các vùng, trong đó có nhiều vị tướng là nữ.
Được sự ủng hộ của Nhân dân, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng giặc Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và Nhân dân suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, quân Hán lại kéo sang xâm lược, Hai Bà Trưng lại một lần nữa ra quân, nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn nên bại trận, 2 nữ anh hùng anh dũng hy sinh. Mặc dù sau đó, nước ta lại bị đô hộ suốt thời gian dài nhưng tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của Hai Bà Trưng mãi lưu danh hậu thế. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá là bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, đồng thời là minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Để thể hiện sự tôn vinh phụ nữ, một nửa thế giới, ngày 8/3 thường được tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Đây cũng là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc, yêu thương với người phụ nữ mà họ yêu quý. Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Vừa tham gia lao động, sáng tạo, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước và gia đình. Họ cũng là người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và góp phần quan trọng nhất nuôi dạy trẻ thành người. Phụ nữ ngày càng khẳng định họ là phái đẹp chứ không phải là phái yếu như định kiến trước đây.
Ở một số nước trên thế giới, 8/3 được coi là ngày lễ lớn, đàn ông thường tặng hoa và quà cho những người phụ nữ quan trọng trong đời họ như mẹ, vợ, bạn gái… Ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng hoạt động liên hoan, meating, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới ở các khía cạnh thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, hay điều kiện an sinh xã hội, đấu tranh chống mại dâm, bạo lực đối với phụ nữ, bình đẳng giới với phụ nữ…
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Visits: 182