Với mục tiêu nghiên cứu, xây dựng, đề xuất bộ công cụ và cơ chế giám sát việc thực hiện Bình đẳng giới (BĐG) trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn về dự thảo khung giám sát thực hiện BĐG còn gọi là bộ công cụ giám sát việc thực hiện BĐG trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Phát biểu mở đầu chương trình, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Gia đình – xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam cho rằng, đây là hội thảo quan trọng nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong ngành, trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu hoàn thiện dự thảo, tiến hành thử nghiệm ở một vài địa phương và sẽ hoàn thiện đề xuất với cơ quan chức năng áp dụng bộ công cụ vào việc giám sát kết quả BĐG trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Bà Trương Thị Thu Thủy hy vọng bộ công cụ sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan có thông tin, số liệu làm cơ sở đánh giá được sự thay đổi về BĐG trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; là căn cứ để các cấp, các ngành đề xuất chính sách thúc đẩy BĐG ở các lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe…; đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối, các cơ quan phối hợp trong việc thực hiện BĐG của Chương trình.
Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến sâu, mang tính thực tiễn tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến có chiều sâu về các chỉ số thống kê, giám sát; cách thức, nguồn thu nhập thông tin, số liệu của bộ công cụ giám sát; sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan về quy trình thu thập thông tin, số liệu; tần suất và việc công bố kết quả thu thập thông tin… Đa số các ý kiến đều cho rằng việc thu thập thông tin của nhiều chỉ số khá khó, cần tham vấn trực tiếp với các địa phương và phải có cơ chế để địa phương theo dõi, tiếp cận bộ chỉ số. Bên cạnh đó, cần tham khảo thêm số liệu của một số ngành cụ thể để có ý tưởng xây dựng bộ khung dữ liệu, đánh giá đơn giản mà đầy đủ, phù hợp.
Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Các biện pháp cụ thể về thúc đẩy bình đẳng giới được đẩy mạnh đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế…; việc phân bổ ngân sách thực hiện bình đẳng giới đã từng bước được cải thiện.
Kết quả, đến cuối năm 2020 có 85,5% xã được công nhận đạt chỉ tiêu bình đẳng giới trong xây dựng Nông thôn mới về: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở địa phương, phụ nữ thuộc hộ nghèo và vùng DTTS tiếp cận với tín dụng ưu đãi; không có tảo hôn và cưỡng ép kết hôn; có chương trình phát thanh về BĐG; có mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh… |
Visits: 22