HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Nhìn thẳng-Nói thật: Giàu xổi trên sắc đẹp

Mong muốn sự giàu có, sang trọng là nhu cầu, khát vọng chính đáng của con người. Nhưng sự giàu có, sang trọng chỉ thật sự có ý nghĩa tốt đẹp khi đó là con đường, cách thức làm giàu chân chính, hợp pháp, hợp luân thường đạo lý. Ngược lại, ai đó ham làm giàu đến mức bất chấp đạo đức, luật pháp và gây hại đến lợi ích nhà nước, tổ chức, công dân thì trước sau cũng sẽ trả giá.

Có thứ làm giàu không chính đáng là một bộ phận phụ nữ thời nay muốn giàu xổi trên sắc đẹp. Phi vụ “bán phấn buôn hương” với hàng chục “mỹ nữ” (trong đó có cả hoa khôi, người mẫu, diễn viên…) mà công an một địa phương phía Nam vừa triệt phá gần đây, thêm một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn háo giàu xổi trên sắc đẹp ngày càng biến tướng tinh vi, lệch lạc. Cách đây ít ngày, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử vụ án môi giới mại dâm, trong đó đối tượng bán dâm là cô gái từng đoạt giải hoa khôi trong một cuộc thi nhan sắc.

Lợi dụng thời lên ngôi của mạng xã hội, những cô gái lười làm ham chơi đã “đánh bóng” hình ảnh bằng cách xây dựng hình tượng bản thân thành đạt trên mạng xã hội, thường xuyên phô trương cuộc sống sành điệu, check in du lịch tại những địa danh nổi tiếng, mua sắm đồ hiệu cá nhân đắt tiền. Mục đích của chiêu trò này là “nâng tầm nhan sắc” và thổi giá các cuộc mua-bán dâm.

Phát hiện đường dây bán dâm bạc tỷ của hoa hậu; chấn động thương vụ “sex tour” nghìn đô của hoa khôi, người mẫu; phanh phui hoa hậu, diễn viên, MC bán dâm nghìn đô… là những cái tít xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng tuy không hay ho gì, nhưng hiển lộ một phần sự thật về mặt tối của một số nữ giới trong làng giải trí.

Sẽ có nhiều lý giải khác nhau về thực trạng này. Nhưng có một sự thật là những năm gần đây nở rộ quá nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu ở khắp nơi, ở nhiều cấp độ và tổ chức tràn lan các buổi biểu diễn nghệ thuật được gắn với những cái tên mỹ miều như “Đêm hội chân dài”, “Đêm ngàn sao”, “Đêm mỹ nhân”, “Ngàn sao hội tụ”…

Khi đã được khoác cái danh trong tay, một số người coi mình là ngôi sao, là thần tượng nên sống trong ảo tưởng, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, sa đà vào lối sống lệch lạc, ăn chơi, buông thả. Việc đánh đổi danh dự bản thân để kiếm chác lợi lộc, giàu xổi là đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc và đạo đức xã hội.

Là những chuẩn mực giá trị đã được sàng lọc qua thời gian, đạo đức xã hội được cộng đồng thừa nhận và coi đó là bệ phóng nâng đỡ tâm hồn con người vươn tới chân-thiện-mỹ. Điều đơn giản đó tưởng như ai cũng hiểu, nhưng thực tế không phải vậy. Trong xã hội hiện nay đang hình thành một quan niệm rằng, những người giàu có và những người hoạt động trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, giải trí, thời trang mới là giỏi, là nổi tiếng. Chính quan niệm phiến diện này ít nhiều làm biến dạng những giá trị đạo đức xã hội. Đó cũng là lý do khiến con người bị mắc bệnh ảo tưởng nên có suy nghĩ, hành vi nông nổi để chạy theo những hư danh không cần thiết.

Muốn tạo nền tảng giá trị xã hội lành mạnh, xin hãy coi trọng những việc mà ông cha ta bao đời nay đã làm là bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng những dòng suối văn hóa trong trẻo, nhân văn, tử tế. Hãy biết vun trồng, nâng niu, tôn vinh nhiều hơn những giá trị chân chính, cao cả. Hãy cắt giảm những cuộc thi người đẹp, hoa khôi, người mẫu phù phiếm, hào nhoáng và những chương trình giải trí vô bổ dễ làm cho người ta lóa mắt, háo danh.

Thay vào đó là tổ chức những sân chơi đậm chất văn hóa, giàu tính giáo dục để gắn kết tình thương yêu con người và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời cổ vũ những tấm gương hăng say học tập, lao động và biết cách làm giàu chính đáng để lan tỏa những việc hữu ích trong xã hội.

YÊN DƯƠNG

Nguồn Báo Quân đội nhân dân Việt Nam

Sưu tầm H.C

 

Visits: 8

Bài viết Liên quan