Logo Description automatically generated

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Phải nỗ lực phi thường! Không được phép chậm trễ!
- aA +

(TUAG)- Trước khi qua đời, ngay trên giường bệnh, V.I.Lênin đã hoàn thành tác phẩm “Thà ít mà tốt”. Có thể khẳng định đây là bản Di chúc chính trị của Người. Lênin tổng kết: “Trong hàng mấy trăm năm nay người ta đã xây dựng lên những nhà nước theo kiểu tư sản và đây là lần đầu tiên, chúng ta đã tìm ra một hình thức nhà nước không phải tư sản… Dẫu cho bộ máy nhà nước của chúng ta còn kém cỏi, nhưng nó đã được sáng tạo ra, đó là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, một nhà nước kiểu vô sản đã được sáng tạo ra”.

Bên cạnh đó, Người cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của nó. Trước nhất là tình trạng quan liêu và tham nhũng “tồn tại phổ biến…”. Người kết luận: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ,… Mặc dù: “…, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công,… chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác”. Vì vậy, để tiến hành việc đổi mới một cách có hiệu quả bộ máy nhà nước, Lênin khẳng định: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt…”.

Ở nước ta, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu rất gọn nhẹ. Ủy ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám chỉ gồm 15 thành viên; Chính phủ cách mạng lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám vẫn gồm 15 thành viên với 13 bộ; Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946 chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà Chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Những năm sau đó, Người tiếp tục yêu cầu “tinh giản”. Người giải thích: “tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Người nói rõ mục đích: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân…”.

Hiện nay, với quy mô lãnh thổ là 331.690 km2, nước ta đang có tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (so sánh với Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có diện tích lớn thứ ba và thứ tư thế giới thì số đơn vị hành chính của họ chỉ có 50 bang, hoặc 34 tỉnh, thành phố tự trị. Điều này đồng nghĩa với việc một chủ tịch tỉnh ở Việt Nam quản lý một địa bàn chỉ bằng 4% so với một thống đốc bang ở Mỹ, hoặc một chủ tịch tỉnh ở Trung Quốc). Theo thống kê, hiện tỷ lệ hưởng lương công chức, viên chức trên 1.000 dân ở Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới (ta có tới 43 người hưởng lương/1000 dân, chưa tính lực lượng vũ trang). Trong khi đó ở các quốc gia khác tính cả lực lượng vũ trang vẫn thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Đơn cử như Philippines chỉ có 13 người, Ấn Độ 16 người, Indonesia 17 người hưởng lương/1000 dân. Thực trạng này cho thấy, tỷ lệ người hưởng lương ở Việt Nam cao hơn gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, do bộ máy quá lớn, ngân sách Nhà nước đã phải dành khoảng 70% để chi trả lương, chi thường xuyên, còn lại chỉ dành khoảng 30% để lo cho quốc phòng, an ninh và đầu tư lại cho phát triển, sản xuất, xóa đói giảm nghèo… Như vậy là quá nặng nề! Cần phải đổi mới, cơ cấu lại bộ máy, theo hướng tinh giản những ban, bộ, ngành không cần thiết hoặc tiến hành sáp nhập, để xây dựng một bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Ngày 24/1/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Kết luận số 121-KL/TW về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực hiện Kết luận này, Trung ương đã giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc, 25 Ban Cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương, 5 cơ quan Quốc hội, 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ, 30 đầu mối cấp tổng cục, 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương, 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương, 240 đơn vị sự nghiệp. Ở các địa phương, đã cắt giảm 466 sở ngành và tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng… Nhìn chung con số giảm rất đáng kể, thể hiện quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị. Dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đều ủng hộ chủ trương này, coi đây là cơ hội lịch sử để phát triển đất nước.

Ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục ra Kết luận 127-KL/TW chủ trương “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Dự kiến giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 – 70% đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.

Đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” đã nhắc lại phương châm về cải tiến bộ máy Nhà nước của Lê-nin là: “Phải tuân theo qui tắc… thà ít mà tốt”; nhắc lại khẳng định của Người: “Tôi biết rằng giữ vững qui tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn… Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường… Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô- Viết”.

Từ đó, Đồng Chí Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi: “Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, …”.

Phải nỗ lực phi thường! Phải cố gắng vược bậc! Không được phép chậm trễ!

Nguồn: angiang.dcs.vn

Sưu tầm: H.C

Visits: 0

Bài viết Liên quan