Hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội (MXH) như Facebook, YouTube, TikTok đang ngày càng phổ biến, đem lại nguồn thu lớn về mặt kinh tế cho các công ty chủ quản và người làm nội dung. Cùng với đó, lợi nhuận từ quảng cáo cũng giống như nguồn dinh dưỡng nuôi sống, tiếp tay cho các tài khoản MXH có nội dung xấu, phản cảm, độc hại. Vì vậy, rất cần có chế tài để phòng ngừa, ngăn chặn.
Làm nội dung xấu để kiếm nhiều tiền
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, cộng đồng sử dụng MXH trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang ngày một tăng lên. MXH không chỉ là phương tiện để người dùng kết nối với nhau, giao lưu, chia sẻ thông tin mà giờ đây đã trở thành công cụ kiếm tiền, thậm chí là rất nhiều tiền của một bộ phận người dùng.
Hiện nay, các nền tảng MXH thường có xu hướng chi trả cho những nội dung đạt được nhiều lượt xem (view) và tương tác. Bên cạnh đó, các nhãn hàng, thương hiệu cũng đang tích cực chiếm lĩnh thị trường online để tăng cường quảng bá cho những sản phẩm của mình. Theo chia sẻ của một số nhãn hàng, để sản phẩm nhanh chóng được nhiều người biết đến thì việc hợp tác với những tài khoản MXH nổi tiếng, có nhiều người theo dõi, nhiều người biết đến là rất cần thiết. Bởi mỗi quảng cáo được chia sẻ sẽ có hàng nghìn người vào xem, nhờ đó mà các sản phẩm cũng dễ quảng bá và tiêu thụ hơn. Vì vậy, nhiều người dùng MXH muốn nhanh nổi tiếng để tài khoản của mình được nhiều lượt theo dõi, từ đó tạo ra những cơ hội hợp tác làm ăn, chia sẻ lợi nhuận với các thương hiệu, nhãn hàng hoặc các công ty quảng cáo. Điều này dẫn đến thực tế là thay vì tận dụng MXH để sáng tạo, lan tỏa những điều tốt đẹp, những nội dung có ích cho xã hội thì nhiều người lại thường xuyên làm các video, sản xuất các nội dung số phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục; lan truyền, chia sẻ thông tin đời tư cá nhân của người khác; nhiều tài khoản còn bất chấp quy định của pháp luật, sử dụng công nghệ để cắt, ghép, xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Tất cả đều được thực hiện với mục đích “câu view”, “câu like” để tăng lượng tương tác, từ đó có thể nhanh chóng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền.
Hoạt động quảng cáo trên nền tảng YouTube. |
Có thể nói, việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ quảng cáo trên MXH, đặc biệt là quảng cáo đặt trên các kênh có nội dung độc hại sẽ góp phần ngăn chặn dòng tiền đổ vào những tài khoản bất chính, hướng dòng tiền quảng cáo đến các tài khoản có sự đầu tư làm nội dung sạch.
Sáng kiến white list-black list
Với sự tham mưu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ngày 20-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Theo đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TTTT.Đây chính là cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành xử phạt các vi phạm về hoạt động quảng cáo.
Cùng với đó, để các doanh nghiệp, nhãn hàng nhận biết được đâu là những tài khoản, trang thông tin vi phạm pháp luật, Bộ TTTT cũng đã đưa ra giải pháp “white list-black list”. Chia sẻ về giải pháp này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TTTT cho biết: “Blacklist là danh sách kênh MXH,các website có nội dung xấu,độc, vi phạm pháp luật và những nhãn hàng bị yêu cầu cấm quảng cáo trên đó. White list là danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, có nội dung sạch, được khuyến nghị quảng cáo. Đây là giải pháp được Bộ TTTT đưa ra cuối năm 2022 và triển khai trong năm 2023.
Việc lập ra white list cũng góp phần thúc đẩy các tài khoản MXH, trong đó có nhiều tài khoản của các cơ quan báo chí tăng cường sáng tạo, đầu tư công sức sản xuất những nội dung hấp dẫn, lành mạnh để thu hút những nhà đầu tư, nhãn hàng quảng cáo, đem lại doanh thu hợp pháp và tương xứng với công sức bỏ ra.
Tuy nhiên, theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, danh sách kênh, tài khoản MXH trong white list mới ở mức 2.000 kênh, chưa đáp ứng được nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi của white list là cấp thiết. Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, tăng cường phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để xác minh, bổ sung thêm những tài khoản “sạch” vào white list. Bộ cũng tạo điều kiện để các nhãn hàng tự đề xuất danh sách đối tác quảng cáo, mở cổng đăng ký để người làm nội dung chủ động đăng ký vào danh sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, không vì lợi nhuận mà hợp tác, đặt các nội dung quảng cáo trên những kênh có nội dung phản cảm, độc hại, từ đó cổ xúy, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật trên MXH.
Nguồn Báo Quân đội Nhân dân
Sưu tầm H.C
Visits: 6