ThS CAO PHAN GIANG
Học viện Chính trị khu vực I
(LLCT) – Triều đại vua Lê Thánh Tông trị vì là giai đoạn lịch sử phong kiến Đại Việt hòa bình và phát triển vượt bậc. Đóng góp vào sự thành công về đường lối cầm quyền là tư tưởng chính trị thân dân với nhiều quan điểm mang giá trị vượt thời đại, có ý nghĩa trong quá trình đổi mới và phát triển nước ta hiện nay. Với tư tưởng thân dân, chính quyền thời kỳ này có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với dân, đoàn kết và phát huy nguồn lực, sức mạnh của dân để xây dựng, phát triển xã hội cường thịnh. Bài viết phân tích nội dung tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông và ý nghĩa đối với quá trình đổi mới đất nước ta hiện nay.
Tranh minh họa: baoquangnam.vn
1. Mở đầu
Triều đại vua Lê Thánh Tông (từ năm 1442 – 1497) được xem là giai đoạn phát triển cường thịnh của thời Hậu Lê nói riêng và thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung. Ca dao có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông, thóc lúa đầy đồng gà chẳng thèm ăn”; Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại thời kỳ này: Ngủ đêm, mọi nhà không phải đóng cửa, hầu như không có trộm cắp. Sự phát triển vượt bậc của thời kỳ này cho thấy đường lối chính trị đúng đắn, tiến bộ. Nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông đã chỉ ra, tư tưởng thân dân là cốt lõi, trở thành nền tảng tư tưởng chính trị trong quá trình cầm quyền của ông. Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông có nhiều giá trị tiến bộ, có ý nghĩa đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.
Tư tưởng thân dân là hệ thống các quan điểm chính trị về vị trí, vai trò và quyền lực của người dân trong đời sống chính trị, thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước, hệ thống chính trị, chủ thể cầm quyền với nhân dân; biểu hiện sự nhận thức về vai trò của người dân, thái độ tình cảm, hành vi tin dân, yêu dân, trọng dân, phục vụ dân, bảo vệ lợi ích của dân, đặt dân ở vị trí trung tâm của quyền lực chính trị… thể hiện thông qua các quyết sách chính trị.
2. Bối cảnh hình thành tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông được hình thành từ rất sớm, xuất phát từ sự gần gũi, gắn bó với dân một cách tự nhiên trong quá trình lưu lạc trước khi lên ngôi của ông.
Để tránh sự truy sát của các phe phái tranh giành quyền lực nội bộ triều đình, trước khi lên ngôi, Lê Thánh Tông được đưa đi lánh nạn khỏi hoàng cung. Lê Thánh Tông đã lưu lạc trong dân gian, dựa vào sự che chở, giúp đỡ của nhân dân. Ông sống gần gũi, thân mật với người dân, được nhân dân giúp đỡ, nuôi nấng, che giấu. Từ quá trình đó, Lê Thánh Tông không chỉ gần dân, mà còn am hiểu đời sống, tâm tư tình cảm, điều kiện, hoàn cảnh sống của dân. Ông chứng kiến và trải nghiệm đời sống hiện thực của người dân với những vất vả, khó khăn của sản xuất nông nghiệp lúa nước. Đồng thời, hiểu được sức mạnh, sự đoàn kết tương trợ ở nơi dân, ông am hiểu và thấu cảm với dân. Vì thế, tư tưởng thân dân được hình thành tự nhiên từ rất sớm: “Do sống ở ngoài hoàng cung mà ông có dịp gần gũi với dân chúng nên tình cảm, tư tưởng thân dân của ông đã có cơ hội nảy sinh từ thời còn trẻ”(1).
Mặc dù không xuất thân từ thường dân, nhưng do điều kiện lịch sử xã hội và những biến cố trong cuộc đời, Lê Thánh Tông đã có sự gần gũi, am hiểu cuộc sống của nhân dân, có tình cảm, gắn bó, thân thương với nhân dân. Đây chính là hoàn cảnh, điều kiện để hình thành tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông từ sớm và rất tự nhiên. Cũng chính hoàn cảnh đó đã giúp Lê Thánh Tông hiểu được sức mạnh của nhân dân, trong đường lối trị nước của ông, tư tưởng thân dân đóng vai trò quan trọng. Ông đưa ra các quyết sách chính trị đúng đắn, phù hợp và tiến bộ với nhân dân. Thân dân trở thành nền tảng tư tưởng và đường lối chính trị của ông, giúp ông phát huy được sức mạnh của dân, giải phóng nguồn lực vô tận từ dân, xây dựng một triều đại phát triển yên bình và hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
3. Nội dung tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông là một hệ thống các quan điểm có tính thống nhất, làm nền tảng cho tư tưởng chính trị của ông. Khi trị vì, với tư cách là người đứng đầu nhà nước, có quyền lực tối thượng, ông luôn nhấn mạnh: “Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, tất cả những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc lấy lợi trừ hại cho dân không điều gì không nói trong huấn dụ”(2). Có thể thấy, lấy người dân làm trung tâm là tư tưởng xuyên suốt từ khi lên ngôi cũng như trong quá trình trị vì của ông.
Tư tưởng chính trị thân dân của Lê Thánh Tông được thể hiện phong phú và nhất quán trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự, văn hóa…, xây dựng thể chế thân dân, đến hành động chính trị trên thực tiễn vì dân. Tư tưởng này luôn thường trực, trở thành nền tảng cho đường lối chính trị của Lê Thánh Tông: “Hàng năm phải định kỳ xem xét chỗ ruộng cao, ruộng thấp, khuyên dạy việc nông tang. Đất nước còn bỏ không thì tìm cách mà khai khẩn, người nào còn sức lực thì tùy việc cho trông nom, để cho dân có của thừa và không còn nạn đói rét lưu vong”(3).
Giai đoạn lịch sử trị vì của vua Lê Thánh Tông là thời kỳ hòa bình. Chính vì thế, tư tưởng thân dân của ông được thể hiện cơ bản trên hai phương diện chăm lo đời sống của dân, xây dựng xã hội ổn định và phát triển: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo”(4).
Dân là trung tâm, nên nhà nước coi việc chăm lo sản xuất, đời sống của dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó tư tưởng chăm lo sản xuất là ưu tiên số một. Bởi lẽ, theo Lê Thánh Tông, sản xuất tốt thì mới bảo đảm đời sống no đủ, đây là gốc của một đất nước cường thịnh và ổn định.
Với đặc thù là nước sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, nên có tính thời vụ cao. Chính vì thế, trong mọi hoạt động, vua Lê Thánh Tông đều ưu tiên tính thời vụ: “bất vi nông thời” (không làm trái với thời vụ nhà nông). Lê Thánh Tông chỉ đạo mọi hoạt động phải tránh trùng vào thời điểm nông vụ “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân phải chú ý đến nông vụ). Kể cả các hoạt động xây dựng, tu tạo cung điện vốn phải huy động nhiều sức dân, được các đời vua rất coi trọng, nhưng Lê Thánh Tông lưu ý thời điểm nông vụ không được huy động sức dân.
Tư tưởng trọng nông còn chi phối đến mọi chính sách khác, như các chính sách về quân sự, quốc phòng, củng cố vương quyền… Từ tư tưởng chăm lo hoạt động sản xuất chính yếu của người dân, Lê Thánh Tông luôn chú trọng tăng cường mọi lực lượng của triều đình và xã hội cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đề cao và ưu tiên sản xuất, để cuộc sống nhân dân phát triển tốt đẹp, Lê Thánh Tông rất chú trọng văn hóa giáo dục, trọng dụng nhân tài. Lê Thánh Tông chủ trương: “Giáo dục con người theo những nguyên tắc đạo đức của Nho giáo và chủ trương lấy “lễ”, “nghĩa” làm yếu tố ràng buộc con người duy trì sự bền vững của triều đình phong kiến”(5).
Trong suốt chiều dài chế độ phong kiến Việt Nam, hiếm có nhà vua nào chú tâm đến phát triển truyền thống và giáo dục như Lê Thánh Tông. Hàng loạt các cơ quan chuyên trách của triều đình về văn hóa, giáo dục được thành lập như: Quốc sử viện, Hàn lâm viện, Đông các viện, Quốc Tử Giám, nhà Thái học… Các kỳ thi hương, thi hội, thi đình được diễn ra hằng năm. Trong thời gian trị vì, ông đã mở 12 khoa thi và tuyển được 514 tiến sĩ, trong đó có nhiều tiến sĩ nổi tiếng, tên tuổi đi vào lịch sử dân tộc như: Lương Thế Vinh, Hoàng Đức Lương, Thân Nhân Trung… Coi trọng giáo dục thi cử, Lê Thánh Tông đã dựng văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tôn vinh các tiến sĩ, trong đó khắc những quan điểm coi trọng hiền tài, như Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”(6). Hay trong Văn bia tiến sĩ do Đỗ Nhuận soạn có đoạn: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không gì cần kíp hơn nhân tài”(7). Bản thân Lê Thánh Tông cũng là nhà văn, nhà thơ với khối lượng tác phẩm phong phú, đồ sộ.
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông còn được thể hiện trong tư tưởng trọng pháp luật của ông. Để xây dựng đất nước, bảo vệ đời sống công bằng, bình an của người dân, ông chú trọng xây dựng hệ thống pháp luật làm cơ sở điều chỉnh các hành vi xã hội. Trong lịch sử thời kỳ phong kiến Việt Nam, Lê Thánh Tông là vị vua ban hành nhiều đạo luật, lệnh chỉ và sắc dụ như ông, trong đó mọi đối tượng đều công bằng và bình đẳng trước pháp luật, không thiên vị, ưu tiên, phân biệt vua – tôi: “Pháp luật là phép công của nhà nước. Ta và các người đều phải theo, ngươi nên nhớ lấy”(8).
Pháp luật thời Lê Thánh Tông không chỉ nhằm điều chỉnh xã hội, củng cố vương triều, mà còn quan tâm, bảo vệ mọi tầng lớp nhân dân, cả những đối tượng yếu thế trong xã hội phong kiến. Đó là một nền pháp luật nhân văn, có nhiều giá trị dân chủ, với mục tiêu giáo hóa con người, hướng đến những điều đúng đắn, đạo đức, vì cuộc sống an bình, hạnh phúc của nhân dân.
Bộ luật lớn, có giá trị nhất thời kỳ này là Quốc triều hình luật năm 1483 (thường được gọi là Luật Hồng Đức). Bộ luật gồm 6 quyển, 722 điều. Giáo sư Oliver Oldman, Chủ nhiệm khoa Luật Á Đông của Đại học Harvard, đánh giá là hệ thống luật tiến bộ, tương đương về chức năng so với những quan niệm luật pháp phương Tây thời cận hiện đại. Bộ luật quy định trách nhiệm pháp lý của người cầm quyền phải chăm lo đời sống của nhân dân và quy định bốn nhóm đối tượng mà chính quyền địa phương và cộng đồng làng xã có trách nhiệm bảo đảm cuộc sống, đó là: người già không nơi nương tựa, phụ nữ cô độc, người tàn tật, trẻ mồ côi. Luật chỉ ra rằng, tri huyện, người đứng đầu địa phương phải chịu tội nặng, hoặc bãi miễn nếu ở khu vực, địa phương quản lý để cho dân đói khổ, lũ lụt, phong hóa suy đồi, hay tha hương cầu thực… Đây là hệ thống pháp luật tiến bộ, nhân văn, quan tâm và bảo vệ nhân dân, pháp luật thân dân.
Không chỉ trong luật pháp, tư tưởng thân dân cũng thể hiện trong chính sách quân sự của Lê Thánh Tông. Đây là thời kỳ hòa bình, không có chiến tranh, nên Lê Thánh Tông coi trọng xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng toàn dân tộc, tổ chức và động viên sức mạnh toàn dân. Chính sách “ngụ binh ư nông” từ thời Lý – Trần được Lê Thánh Tông vận dụng và đưa lên tầm cao mới. Thời kỳ này, triều đình bỏ chế độ 5 đạo quân chính quy, tăng cường lực lượng quân sự địa phương. Với đường lối này, số quân thời Lê Thánh Tông tăng nhiều, nhưng thực chất số quân tại ngũ lại vừa phải, tạo điều kiện cho nhà nước tăng cường nhân lực sản xuất và giảm bớt chi tiêu cho quốc phòng, nhưng sức mạnh quân sự lại tăng lên đáng kể. Chính sách quân sự của Lê Thánh Tông thể hiện nhuần nhuyễn sự kết hợp giữa quân sự và ngoại giao, kinh tế và quốc phòng, giữa quân với dân. Chính sách này đã củng cố vững chắc nền độc lập của nước ta thời kỳ đó, là biểu hiện sâu sắc của tư tưởng thân dân trong quân sự.
4. Ý nghĩa của tư tưởng thân dân Lê Thánh Tông trong điều kiện đổi mới đất nước hiện nay
Một là, đổi mới phải quán triệt quan điểm thân dân
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông chỉ ra rằng, để hoàn thành các mục tiêu chính trị, ổn định và phát triển đất nước thì phải thân dân. Đảng ta cũng rút ra một trong những bài học quan trọng hàng đầu của đổi mới là “dân là gốc”(9). Vì vậy, trong quá trình đổi mới đất nước, quá độ lên CNXH cần quán triệt quan điểm thân dân.
Sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế liên quan đến việc chưa thực hiện thân dân, như: quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương pháp luật; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ(10); tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ(11). Thực trạng đó đòi hỏi hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phải thân dân, coi việc gần dân, dựa vào dân, gắn bó với dân, phục vụ dân là trách nhiệm cao cả, là sứ mệnh chính trị thiêng liêng.
Trong lịch sử dân tộc, bài học về sự thịnh suy của mỗi triều đại đều liên quan đến tư tưởng thân dân. Thân dân trở thành thước đo, yếu tố quyết định sự hưng vong của mỗi nền chính trị. Sự thành công của triều đại Lê Thánh Tông chỉ ra yêu cầu quán triệt tư tưởng này trong quá trình cách mạng, đổi mới đất nước. Trong đó, đặc biệt phải xây dựng hệ thống chính trị thân dân, gần dân, chăm lo lợi ích của dân, bảo đảm quyền lực của dân, phục vụ nhân dân; đấu tranh loại bỏ tệ xa dân, quan liêu, cửa quyền trong bộ máy công quyền.
Tư tưởng thân dân cũng chỉ ra rằng, trong mọi hoàn cảnh, khi ra quyết sách phải đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên hàng đầu, song song với đó là đấu tranh loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đi ngược lại lợi ích chung. Quá trình đổi mới cần nêu cao hơn nữa đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để hướng đến một nền chính trị dân chủ.
Hai là, đổi mới phải dựa vào dân và phát huy sức mạnh của dân
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông đã cho thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết và ủng hộ của nhân dân. Đây chính là nguồn lực vô tận để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị.
Nước ta đang thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít các thách thức, khó khăn đặt ra. Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân.
Đổi mới đất nước là một quá trình khó khăn, cần nhiều nguồn lực, thực hiện thân dân, đoàn kết, thống nhất là sức mạnh nội sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Đây là nền tảng của sức mạnh quốc gia, vị thế trên trường quốc tế, đập tan các âm mưu thù địch chống phá cách mạng nước ta.
Lê Thánh Tông đã cho thấy, chỉ khi gần gũi, dựa vào dân, đặt mục tiêu chăm lo cho dân được no đủ, sung túc thì đất nước mới phát triển và thịnh vượng. Sự nghiệp đổi mới với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” dựa vào dân, huy động và phát huy nguồn lực từ dân, nhằm mục tiêu đem lại cuộc sống giàu có, hạnh phúc của nhân dân là động lực của phát triển bền vững.
Ba là, xây dựng nền chính trị thân dân, thực hiện dân chủ XHCN
Trong quá trình xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng, Lê Thánh Tông nhất quán quan điểm ưu tiên lợi ích của dân: Những việc lấy lợi trừ hại cho dân không điều gì không nói trong huấn dụ. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo con đường XHCN, xét đến cùng là xây dựng một xã hội phát triển, như Hồ Chí Minh giải thích: “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(12). Cho nên, quá trình đổi mới hướng đến xây dựng nền chính trị thân dân, bảo đảm quyền và lợi ích của dân, thực hiện dân chủ XHCN.
Hồ Chí Minh khẳng định: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(13), ngày nay để đất nước phát triển, xây dựng thành công chế độ CNXH, hệ thống chính trị phải thân dân: gần dân, yêu dân, dựa vào dân, đoàn kết nhân dân và bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Thực hiện dân chủ XHCN trở thành động lực và mục tiêu của quá trình đổi mới.
Ngày nay, dân chủ trở thành một xu hướng, một quá trình và là văn hóa chính trị của nhân loại. Để mở rộng dân chủ XHCN ở nước ta, đòi hỏi phải thực hiện dân chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước hết là trong kinh tế, coi thực hiện dân chủ về kinh tế là nền tảng. Dân chủ về chính trị là quan trọng, là khâu mang tính đột phá và định hướng đúng bản chất của quá trình dân chủ. Dân chủ về văn hóa xã hội cần được chú ý để bảo đảm quá trình dân chủ được hoàn thiện.
5. Kết luận
Lê Thánh Tông đã xây dựng một chế độ chính trị thân dân, trị nước gắn liền với an dân, coi trọng quân sự nhưng lại ưu tiên cho sản xuất, lấy cuộc sống no đủ, phong phú của người dân làm trọng. Tư tưởng thân dân của ông được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ thể chế đến hành động thực tiễn, song tất cả đều thống nhất, có mối liên hệ mật thiết, làm điều kiện tiền đề tồn tại của nhau.
Tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông là một thành tựu trong tư tưởng chính trị Việt Nam, góp phần đưa triều đại của ông trở thành thời kỳ hòa bình và phát triển thịnh vượng bậc nhất của lịch sử phong kiến nước ta. Những giá trị tư tưởng thân dân của Lê Thánh Tông là sự kế thừa và phát triển tư tưởng thân dân trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với quá trình đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.
_________________
Ngày nhận bài: 30-5-2024; Ngày bình duyệt: 2-6-2024; Ngày duyệt đăng: 16-7-2024.
(1) Trần Việt Hà, Trịnh Văn Toàn: Quan điểm vượt thời đại trong tư tưởng “trị nước, an dân” của Lê Thánh Tông – Giá trị kế thừa cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.29.
(2) Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt Sử ký toàn thư, t.3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.520.
(3), (4) Đại Việt Sử ký toàn thư, quyển XII, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017, tr.498, 497.
(5) Vũ Kim Dung: Tư tưởng triết học về con người, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.91.
(6) Tuyển tập văn bia Hà Nội, Văn bia tiến sĩ năm Nhâm Tuất do Thân Nhân Trung soạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.35.
(7), (8) Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Đại Việt Sử ký toàn thư, t.2, Sđd, tr.492, 405.
(9), (10), (11) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.96, 89, 93.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.438.
(13) Hồ chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.438.
Nguồn Tạp chí Lý luận Chính trị
Sưu tầm H.C
Visits: 89