HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH AN GIANG

Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập,
khát vọng phát triển, xây dựng tổ chức hội vững mạnh
Chim
Viêm cơ tim – biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu

IMG_258

Ảnh minh họa

Bác sĩ Hoàng Công Minh (Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu. Ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim.

Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

Tháng cao điểm truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu trong hội viên, phụ nữ

Cứu sống cô gái 21 tuổi viêm cơ tim cấp bằng can thiệp VA-ECMO thức tỉnh

Viêm cơ tim ở trẻ nguy hiểm thế nào?

Chuyên gia lý giải về viêm cơ tim và vì sao ngày càng có nhiều bệnh lạ

Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh có tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong cao.

“Các triệu chứng lâm sàng thường bắt đầu 2-5 ngày sau khi nhiễm trùng mũi họng và có thể bao gồm đau họng, khó chịu, ho, khàn giọng, nuốt đau, chảy nước mũi có máu và chảy nước bọt. Sốt thường nhẹ hoặc không sốt.

Đặc trưng tổn thương có màng màu trắng xám, ban đầu phủ amidan sau đó nhanh chóng lan đến lưỡi gà, vòm miệng mềm và thành sau của họng. Trong trường hợp nghiêm trọng, tổn thương gây cản trở đường thở, suy hô hấp. Tổn thương hệ thống xảy ra khi độc tố bạch hầu lan truyền vào máu, dẫn đến tổn thương tim, thận và dây thần kinh ngoại biên qua trung gian độc tố”, bác sĩ Hoàng Công Minh cho hay.

Các biến chứng về tim thường gặp và được ghi nhận rõ ràng ở bệnh bạch hầu do độc tố bạch hầu có áp lực cao với tế bào cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim. Viêm cơ tim xảy ra do sự thoái hóa của sợi cơ Actin do độc tố bạch hầu gây ra, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp cơ tim.

Ở những bệnh nhân hồi phục sau bệnh, các tế bào cơ tim bị tổn thương được thay thế bằng mô xơ, có thể để lại di chứng tim lâu dài.

Biểu hiện tim mạch trong bệnh bạch hầu rất đa dạng nhưng đặc trưng nhất là rối loạn chức năng co bóp cơ tim và rối loạn nhịp tim, đôi khi có viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc.

Theo bác sĩ Minh, viêm cơ tim bạch hầu xảy ra ở 10%-20% số ca bệnh bạch hầu hô hấp, mặc dù con số này trên thực tế có thể cao hơn. Đáng lưu ý, biến chứng này hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Viêm cơ tim thường biểu hiện muộn vào cuối tuần thứ hai nhưng trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng thì có thể biểu hiện sớm hơn. Viêm cơ tim bạch hầu có tỷ lệ tử vong theo ca là 60%-70%.

Với các phương pháp theo dõi và chẩn đoán hiện đại, chẳng hạn như theo dõi huyết áp xâm lấn, theo dõi điện tim liên tục và siêu âm tim, có thể giúp chẩn đoán và quản lý và phát hiện sớm rối loạn chức năng tim và rối loạn nhịp.

Điều trị đặc hiệu cho tim

Viêm cơ tim bạch hầu hiện nay chủ yếu được điều trị hỗ trợ nhằm duy trì các thông số huyết động bình thường. Thuốc chống loạn nhịp thường chỉ được sử dụng cho rối loạn nhịp tim nhanh và kéo dài.

Điều trị dự phòng rối loạn nhịp không được khuyến khích. Đặt máy tạo nhịp tim tạm thời có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị viêm cơ tim do bệnh bạch hầu nặng và rối loạn nhịp tim chậm. Sự thành công của tạo nhịp tạm thời phụ thuộc vào mức độ tổn thương hệ thống dẫn truyền và dự trữ cơ tim.

Điều trị bệnh bạch hầu bao gồm sử dụng sớm thuốc kháng độc tố bạch hầu và kháng sinh. Tỷ lệ tử vong tăng hàng ngày do trì hoãn sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu, từ 4,2% trong 2 ngày đầu lên 24% vào ngày thứ năm của bệnh.

Thuốc kháng độc tố được coi là nền tảng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng và cần có sẵn. Ở Việt Nam, chỉ có một số bệnh viện cấp 3 có sẵn thuốc kháng độc tố bạch hầu để điều trị sớm.

“Viêm cơ tim là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bạch hầu và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Mặc dù đây được coi là một tình trạng đe dọa tính mạng nhưng nếu được sử dụng huyết thanh chống bạch hầu kịp thời và chăm sóc hỗ trợ tích cực, có thể điều trị bệnh thành công”, bác sĩ Minh nói.

Nguồn Báo Phụ nữ Việt Nam

Sưu tầm H.C

Visits: 4

Bài viết Liên quan