(TUAG)- Gần đây, hầu như đi đâu, ở chỗ nào, người người cũng bàn tán câu chuyện “nhập tỉnh, bỏ huyện, giảm xã”. Trước hết cần khẳng định chủ trương xóa bỏ cấp huyện và giảm đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của Đảng ta nhằm tinh gọn bộ máy hành chính các cấp ở địa phương là đúng đắn. Điều quan trọng hơn, thực hiện chủ trương này nhằm tạo ra không gian phát triển mới, đánh thức và khai thác tiềm năng, dư địa văn hóa, kinh tế, xã hội, nguồn lực trên từng khu vực, từng địa bàn, từ đó tạo đòn bẩy, động lực bứt phá phát triển mạnh mẽ cho các địa phương và cả nước.
Việc thực hiện chủ trương này hầu như tác động đến mọi ngành, mọi địa phương, cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân, nên không thể không có việc nảy sinh tâm lý băn khoăn trong xã hội. Trong đó, điều khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân tâm tư là tên tỉnh, tên xã, tỉnh lỵ của mỗi địa phương mới sau khi sáp nhập đặt ở đâu?
Trước hết là việc chọn tên cho tỉnh mới sau khi sáp nhập
Đã là con người, ai cũng cần phải có một cái tên để định danh cá nhân, định vị bản thân trong xã hội và đôi khi tên người còn chứa đựng cả ý chí, khát vọng, hoài bão cao cả trong suốt cuộc đời. Với ý nghĩa đó, tên xã, tên tỉnh không đơn thuần chỉ là cái vỏ ngôn ngữ để khẳng định “chủ quyền” hành chính của một địa phương mà trong nó còn chứa đựng cả lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… của một cộng đồng người.
Vì thế, với nhiều người Việt, chỉ cần nhắc tới địa danh bản quán quê hương là gợi nhắc về cả chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng, vun đắp nên. “Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn nhớ về tông tổ” là một phần đạo lý đã làm nên tâm hồn, cốt cách văn hóa của người Việt từ bao đời nay.
Với ý nghĩa đó, tại cuộc họp ngày 11/03/2025 của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thiện thêm một bước Đề án để trình cấp có thẩm quyền.
Trên cơ sở phân tích các nguyên tắc, tiêu chí, nhất là về dự kiến sắp xếp, tên gọi và trung tâm hành chính – chính trị của đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính ngoài tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng…Đặc biệt, cần quan tâm việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Đối với việc đặt tỉnh lỵ của tỉnh mới sau khi sáp nhập
Đây cũng là vấn đề mà cán bộ, đảng viên và người dân hết sức quan tâm, bởi trong quá trình sáp nhập, có nơi không còn giữ vai trò trung tâm hành chính của tỉnh mới, gây ra không ít khó khăn cho cán bộ, công chức, người lao động… Nhưng nếu sự thay đổi, khó khăn trong ngắn hạn để có một tương lai phát triển rộng mở, bền vững hơn cho quê hương, đất nước thì thiết nghĩ sự hi sinh đó là cần thiết.
Việc lựa chọn tỉnh lỵ không chỉ đơn thuần là vấn đề địa lý hay hạ tầng sẵn có, mà còn dựa trên nhiều yếu tố khách quan từ vị trí chiến lược, kết nối giao thông, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, điều kiện đất đai, khả năng mở rộng đô thị và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân.
Sáp nhập tỉnh, thành, đặt tên tỉnh mới, chọn vị trí đặt trung tâm hành chính không chỉ là bài toán hành chính mà còn là câu chuyện quy tụ lòng người. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì bộ máy mới có đoàn kết, Nhân dân ủng hộ thì các điều kiện về nguồn lực, không gian phát triển của tỉnh mới sau sáp nhập mới phát huy được…
Đồng thời phải kiên quyết loại bỏ tư tưởng cục bộ địa phương, “tỉnh anh, tỉnh tôi”, phân biệt “tỉnh giàu, tỉnh nghèo”. “Tỉnh giàu” không muốn sáp nhập với “tỉnh nghèo” vì ngại san sẻ nguồn lực “phải phấn đấu lâu năm mới có được”. “Tỉnh nghèo” cũng không muốn về với “anh hàng xóm giàu có” vì sợ bị “lép vế”. Lối suy nghĩ này cản trở sự đồng thuận vì lợi ích quốc gia, dân tộc. “Quê hương nhỏ” phải nằm trong “quê hương lớn”.
Ngay lúc này đây, những suy nghĩ đúng đắn thể hiện qua các phát ngôn tích cực trong đời sống thường ngày, trên mạng xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân sẽ có tác dụng lan tỏa một cách thiết thực đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với gia đình, đơn vị, cộng đồng dân cư.
Những viên gạch tưởng chừng như nhỏ bé của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân sẽ xây nên con đường lớn dẫn đến thành công của công cuộc tinh gọn bộ máy tổ chức nhà nước, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ: “Khi sáp nhập có tâm lý, tâm trạng về quê hương thì đúng rồi, tôi hết sức chia sẻ. Nhưng đất nước chính là quê hương, chúng ta phải vì sự phát triển chung. Sáp nhập để gọn lại, tiết kiệm chỉ là một phần; sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa cho phát triển mới là quan trọng”.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nói chung, chủ trương “nhập tỉnh, bỏ huyện, giảm xã” chắc chắn đụng chạm đến quyền lợi, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân, trong đó có tình cảm hoài niệm về địa phương cũ. Nhưng vì lợi ích đại cục, vì sự phát triển bứt phá của quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của người Việt Nam, mỗi chúng ta cần sớm vượt qua tâm tư cá nhân, bỏ qua tư tưởng nhỏ để cùng chung tay góp sức, đưa sự nghiệp “sắp xếp giang sơn” diễn ra thuận lợi, hanh thông và về đích trọn vẹn.
Nguồn: angiang.dcs.vn
Sưu tầm: H.C
Visits: 0